Luật sư Bùi Phan Anh (Công ty Luật Sen Vàng) cho biết, trường hợp trên của chị Thảo được điều chỉnh bởi Luật Đất đai năm 2013, Bộ luật Dân sự cùng các văn bản quy phạm pháp luật riêng của từng địa phương nếu có.
Trong Luật Đất đai, Điều 190 quy định người có đất nông nghiệp chỉ được "chuyển đổi quyền sử dụng" cho người trong cùng xã, phường, thị trấn để thuận lợi cho sản xuất. Họ không phải nộp thuế thu nhập và lệ phí trước bạ.
Điều 191 cấm các gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng, nhận tặng, cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
Như vậy, chị Thảo cùng "nhóm đầu tư" của mình không phải người địa phương, cũng không phải nông dân nên chắc chắc không được mua đất trồng lúa.
Nếu nhờ người đứng tên, họ không thể "lấy luôn" mảnh đất vì đã lập vi bằng xác nhận "chủ thật sự là ai". Tuy nhiên, mọi quyền lợi về hoa màu, lợi tức, đền bù hay mua bán hoặc chuyển đổi sang đất dịch vụ, đất ở sẽ do người này đại diện, nhóm chị Thảo "không liên quan trên pháp lý".
Do đó, chị phải chịu các rủi do như nếu người đứng tên hộ phải ly hôn, thi hành án hoặc xấu hơn là tử vong, mảnh đất sẽ bị chia cho người thân anh ta hoặc "đóng băng".
Trường hợp khác, nếu chuyển sang đất ở hoặc triển khai khu đô thị, giá đất có thể tăng nhiều lần và khi đó, người được thuê đứng tên dễ "lật kèo", nói đây là đất của mình. Khi đó, nhóm chị Thảo chỉ có thể đi kiện.
Tuy nhiên, hợp đồng giữa các bên là giả cách, nhằm che giấu một giao dịch khác. Theo Bộ Luật dân sự, đây là "giao dịch vô hiệu" và tòa án nhiều khả năng sẽ buộc các bên trả cho nhau những gì đã nhận. Cụ thể, người đứng tên hộ chỉ phải trả cho nhóm chị Thảo số tiền được dùng mua đất ban đầu.
Song Minh