Tôi cảm thấy chán nản, còn người đàn bà kia luôn hiếu thắng và thách thức. Mọi người nói rằng cô ta có nhiều thứ không bằng tôi, nhưng chuyện đó tôi cũng không muốn nói nhiều làm gì. Thế rồi tôi đã nhẫn nhịn để mong giữ cho mọi thứ được bình yên và cuối cùng chồng tôi cũng quay đầu lại.
Tôi cố gắng quên hết mọi chuyện, thậm chí mọi người còn kể chồng tôi đã có một đứa con trai với cô ta. Nhưng tôi cũng kệ chẳng muốn tìm hiểu nhiều làm gì, cốt yếu cũng để được sống bình yên, không muốn phải đau khổ thêm nữa.
Thời gian trôi qua tôi cứ tưởng đã yên ổn. Nhưng chồng tôi vẫn dành cho cô ta một góc riêng. Tôi không biết có phải do anh và cô ta có con với nhau nên vẫn phải qua lại. Thực sự tôi chẳng quan tâm đến 2 người đó như thế nào, có con với nhau hay không. Cảm giác của tôi bây giờ là buồn và cô đơn. Tôi không muốn cãi nhau hay đôi co gì với chồng, không muốn nói chuyện và gần gũi anh. Tôi thì lạnh nhạt còn anh ta lại muốn gần tôi. Nhưng tôi lại không thể cãi vã hay ly hôn.
Người ngoài nhìn vào nghĩ gia đình tôi vẫn yên ổn hạnh phúc. Tôi thì tạo cho chồng một vỏ bọc là một gia đình hạnh phúc với một cô con gái dễ thương 9 tuổi. Còn cô ta phải chăng là cho anh được đứa con trai.
Hôn nhân với tôi chỉ còn là nghĩa vụ, tôi ghét anh ta, ghét phải ở gần anh ta. Hiện tại mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường, nhưng tối đến khi nằm chung giường thì mỗi người một thế giới riêng. Tôi phải làm sao để vượt qua được vấn đề này đây? (Thiện Tâm)
Trả lời:
Thiện Tâm thân mến,
Người ta thường nói gia đình là tổ ấm, nhưng với bạn hiện nay chắc hẳn đang là địa ngục? Không là địa ngục sao được khi bạn và chồng mỗi người đang phải sử dụng tới nhiều mặt nạ mỗi ngày. Một mặt nạ đầm ấm hạnh phúc để đối phó với mọi người xung quanh. Một mặt nạ bố mẹ thương yêu nhau trước mặt con cái. Một mặt nạ lạnh lùng bất cần khi 2 người cùng nằm trên một giường và một mặt nạ khác ra vẻ không quan tâm của bạn đối với việc “ngoài luồng” của chồng.
Có bao giờ bạn cảm thấy quá mệt mỏi vì cứ phải thay đổi mặt nạ liên tục trong suốt 24 giờ không? Mọi việc tồi tệ trong cuộc sống gia đình bạn hiện nay bắt nguồn một phần từ sự thiếu kiên quyết của bạn khi xử lý vụ việc quan hệ ngoài luồng của chồng 4 năm về trước. Cách xử lý của bạn mới là cho qua, thậm chí còn có một chút dung túng cho việc làm sai trái theo kiểu mắt nhắm mắt mở bỏ qua mọi chuyện.
Lẽ ra vào thời điểm đó, bên cạnh thái độ nhẫn nhịn của mình, bạn cần yêu cầu anh ấy xác định một thái độ dứt khoát với mối tình ngoài luồng kia. Thậm chí, nếu cần thiết, cho anh ấy một sự chọn lựa. Làm như vậy, không có nghĩa là bạn dứt tình, mà điều đó cần thiết để giúp anh không vi phạm luật hôn nhân gia đình và nhìn thấy được trách nhiệm, bổn phận của mình với gia đình.
Tuy nhiên, thái độ của bạn trong những ngày sau đó thể hiện một điều rất rõ: Chỉ im lặng giả bộ như không có chuyện gì, nhưng trong lòng bạn không hề có sự tha thứ cho sự lạc lối của anh ấy.
Đặt trường hợp bạn là anh ấy, bạn sẽ cảm thấy thế nào khi bước chân về nhà thì vợ mặt lạnh tanh, không chuyện trò gì, không khí lúc nào cũng căng thẳng. Ngay cả chuyện quan hệ vợ chồng cũng chẳng có dù ở chung một phòng, nằm chung một giường. Trong khi đó, với người phụ nữ kia, với sự già dặn của bà ấy, chắc hẳn ít nhất anh ta cũng có được những phút giây thi vị hơn ở nhà nhiều. Vậy thì theo bạn, anh ta sẽ chọn nơi nào để đến sau những giây phút căng thẳng kiếm sống?
Lời khuyên chân tình cho bạn là hãy xác định dứt khoát tình cảm dành cho chồng. Nếu thực sự bạn còn tình cảm với anh ấy, cần phải thay đổi cách xử sự, cần thay đổi cuộc sống gia đình. Hãy trao đổi thẳng thắn với chồng về trách nhiệm của mỗi người trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Cả hai phải cùng chung tay làm lại, trong đó vai trò “xây tổ ấm” của người phụ nữ rất quan trọng.
Còn nếu bạn đã quá chán anh ấy, không còn tình cảm cũng như sự tôn trọng thì tốt nhất hãy chia tay nhau đi, giải phóng cho anh ấy cũng chính là giải phóng cho chính bạn khỏi địa ngục của những chiếc mặt nạ phải mang mỗi ngày. Tất nhiên, cần lưu ý đến sự tổn thương về mặt tâm lý của bé trước việc chia tay của bố mẹ. Nhưng thà như thế, có khi cả bạn và chồng lại có thể cảm thấy thoải mái và giúp bé tránh được những tai bay vạ gió từ việc bố mẹ “giận cá chém thớt”.
Đừng vì bất kỳ lý do gì: sự chê trách của người ngoài, sĩ diện cá nhân, uy tín gia đình… để rồi cứ kéo dài mãi cuộc sống địa ngục. Không ai có thể chịu trách nhiệm về cuộc đời mình ngoài chính mình. Dù sao, phương án chia tay cũng chỉ nên đặt ra sau khi mọi cố gắng hàn gắn đã thất bại.
Thân ái.
Chuyên viên tư vấn Phạm Phúc Thịnh
Trung tâm tư vấn Nhịp Cầu Hạnh Phúc