Luật sư tư vấn
Không ít người mua nhà nhầm tưởng vi bằng có thể thay thế công chứng, chứng thực và cho rằng tồn tại "vi bằng mua bán nhà đất". Cách hiểu này là hoàn toàn sai.
Thực chất, vi bằng là văn bản Thừa phát lại lập để ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng trong xét xử và các quan hệ pháp lý khác theo yêu cầu của các cá nhân, tổ chức, cơ quan. Việc xác lập vi bằng mua bán nhà đất hay trong giao dịch bất động sản chỉ chứng minh các bên có thỏa thuận giao nhận tiền.
Vi bằng ghi nhận nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi bằng hình ảnh, băng hình và các tài liệu khác. Đó là chứng cứ chứng minh để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án, là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, hoàn toàn không có giá trị thay thế hợp đồng mua bán nhà đất.
Khoản 3 điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định, các bên khi giao dịch mua bán bất động sản phải lập hợp đồng chuyển nhượng và phải công chứng hoặc chứng thực. Việc công chứng hoặc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng bất động sản là hình thức bắt buộc để giao dịch dân sự có hiệu lực.
Nếu không đáp ứng điều kiện trên, các giao dịch mua bán sẽ bị tòa án tuyên vô hiệu khi xảy ra tranh chấp, theo điều 122 Bộ luật Dân sự 2015.
Trong giao dịch liên quan đến nhà đất, các bên được Thừa phát lại lập vi bằng, nhưng vi bằng này chỉ ghi nhận việc giao tiền, giao nhận giấy tờ chứ không chứng nhận việc mua bán nhà đất. Dùng vi bằng trong mua bán nhà đất là hình thức lách luật, không có giá trị pháp lý và giao dịch sẽ bị tuyên vô hiệu.
Luật sư Trần Tuấn Anh
Công ty Luật Minh Bạch