Ít lâu sau khi đè bẹp Man Utd 3-0, Arsenal hạ tiếp Bayern Munich 2-0 trong một trận đấu mà Pep Guardiola thừa nhận là ông không thể hiểu nổi vì sao đội nhà lại thất bại. Hai chiến công ấy tiếp tục cho thấy sự lớn mạnh của một Arsenal trong những trận đánh lớn.
Khởi đi từ chiến thắng 2-0 trước Man City hồi tháng giêng, Arsenal đã trưng ra một gương mặt cực kỳ lạnh lùng trong những trận đấu lớn. Chính cách tiếp cận trận đấu mới lạ ấy đã giúp họ đánh bại Liverpool, Tottenham, Man Utd (hai lần), Bayern cũng như Chelsea trong trận tranh Community Shield hồi đầu mùa. Thất bại duy nhất của Arsenal trong những trận đấu lớn từ đầu năm diễn ra trước Chelsea, trong một trận đấu mà tiểu xảo của Diego Costa đã giúp cho binh đoàn của Jose Mourinho có được lợi thế hơn người.
Tất nhiên trong hành trình oanh liệt ấy, vẫn có những thất bại... lãng nhách đúng kiểu Arsenal như trước Dinamo Zagreb hay Olympiacos, nhưng một điều không thể phủ nhận là sự trưởng thành lên từng ngày của một đội bóng vẫn bị dè bỉu là yếu bóng vía này.
Điểm chung của những chiến thắng nức lòng nêu trên là Arsenal luôn cầm bóng ít hơn đối thủ. Với những ai đã dõi theo Arsenal đủ lâu, sự thay đổi này đáng được gọi là cách mạng. Trước Bayern, họ cầm bóng có vỏn vẹn 27% thời gian. Tương tự như thế, Arsenal hạ Man United khi chỉ cầm bóng có 38%, thậm chí trước một đối thủ nổi tiếng đá phòng ngự là Chelsea, Arsenal cũng chỉ cầm bóng có 43%.
Vậy phải chăng Arsenal đã chuyển sang đá phòng ngự? Không hẳn. Bởi Arsenal không có những trung vệ ở đẳng cấp cao nhất cũng như không có đủ năng lực phòng ngự tuyến hai để chơi như Chelsea. Sự thay đổi ở đây diễn ra ở tư duy ở Wenger. Từ chỗ coi cầm bóng là lẽ sống, ông đã dần hướng các học trò chơi thứ bóng đá nhanh và trực diện hơn. Tại sao phải ghi bàn sau 100 đường chuyền trong khi có thể làm việc ấy chỉ với 10 lần ban bật?
Sau một thời gian dài đuổi theo triết lý kiểm soát bóng, Wenger như chợt ngộ ra cái đẹp đôi khi chẳng phải là một bức tranh đa sắc với đủ thứ nội dung rối rắm mà đôi khi chỉ là những nét phác thảo thật đơn giản. Và với Alexis Sanchez, Theo Walcott và Mesut Ozil, cách chơi mới quả thực rất phù hợp với họ. Đặc biệt là Ozil. Con người vẫn luôn giữ vị trí chân chuyền số một dưới thời Jose Mourinho ở Real Madrid rất phù hợp với lối đá "chuyền phát ăn ngay", thay vì phải phối hợp từ tốn và đợi cả đội cùng dâng lên.
Sự thay đổi ấy diễn ra chậm, nhưng lại cực kỳ hiệu quả. Nó khiến đối phương vốn đã quen với cách chơi bất biến của Arsenal hàng chục năm qua trở nên ngỡ ngàng. Họ ngỡ Arsenal sẽ cầm bóng, ai ngờ họ chẳng buồn dồn quân lên khu trung tuyến như trước. Có những tình huống họ ngỡ cầu thủ Arsenal sẽ chuyền, nào ngờ khung thành họ nhận ngay một cú sút. Trong mọi cuốn binh pháp trên đời đều chỉ ra bất ngờ là thứ vũ khí lợi hại nhất.
Wenger còn khiến đối thủ bất ngờ bởi cách sử dụng tiền đạo lạ kỳ của ông. Thông thường, cầu thủ cao to, đánh đầu giỏi sẽ đá chính, đến khi bế tắc thì tung cầu thủ nhanh nhẹn và khéo léo vào sân. Wenger xoay chuyển ngược lại. Ông dùng Walcott trước rồi đến hiệp hai lại tung Giroud vào. Nào ngờ cách này phát huy hiệu quả tuyệt vời. Walcott ghi bàn nhiều, nhưng chính Giroud cũng đã có năm bàn sau khi vào sân từ ghế dự bị.
Có quá nhiều cách để giải thích cho điều này. Về mặt lối chơi, các hậu vệ đang quen kèm một Walcott làm gì cũng nhanh đột nhiên bỡ ngỡ trước một Giroud... làm gì cũng chậm. Về tâm lý, Giroud bỗng dưng chịu áp lực phải thể hiện nhiều hơn khi đá dự bị thay vì nghiễm nhiên một suất đá chính như trước. Wenger đang dùng lại một bài cực kỳ kinh điển trong quản trị nhân sự: đó là tăng sự cạnh tranh, tăng luôn năng suất lao động. Cầu thủ Arsenal mùa này không ai chắc suất cả, kể cả Alexis Sanchez. Điều đó buộc họ phải luôn chịu áp lực với chính bản thân họ. Như Hector Bellerin vậy, những ngày gần đây đá như... lên đồng vì biết chỉ cần hiệu quả thi đấu giảm, một Mathieu Debuchy giàu kinh nghiệm và đã bình phục chấn thương sẽ sẵn sàng thế chỗ.
Mùa trước, Arsenal đã đánh bại Everton dù cầm bóng ít hơn. Lần tái ngộ tuần này, họ cũng sẽ sẵn sàng hy sinh con số thống kê về kiểm soát bóng để hướng đến con số cuối cùng ở trên bảng tỷ số. Wenger tất nhiên là rất buồn khi phải từ bỏ thứ triết lý bóng đá từng theo đuổi, nhưng ông cũng biết nỗi khát khao được nhìn thấy Arsenal trở lại vinh quang của các CĐV lớn như thế nào.
Còn các CĐV, họ có buồn giận vì sự thay đổi ấy không? Có lẽ là không. Vì trong tình yêu, thứ khiến những trái tim loạn nhịp muôn đời chính là sự bất ngờ thú vị.
Hoài Thương