"Nào... nào, làm gì có chuyện chúng tôi mất đến phân nửa đội hình như báo chí vẫn nói, trong buổi tập mới nhất chỉ có chín người chấn thương thôi," HLV Rafael Benitez cố lạc quan khi trả lời phỏng vấn kênh Onda Cero trong bối cảnh tan nát đội hình vì loạt trận quốc tế vừa qua.
Real Madrid chỉ là một trong số nhiều CLB phải làm nạn nhân của "virus FIFA". Ở Premier League, Chelsea sẽ mất Branislav Ivanovic và Nemanja Matic, Man City sẽ khổ sở vì chấn thương của Kun Aguero và David Silva. Man Utd mất Bastian Schweinsteiger, trong khi việc Hà Lan mất suất dự Euro 2016 sẽ để lại những dư chấn tâm lý không nhỏ nơi Memphis Depay và Daley Blind. Liverpool sẽ làm lại từ đầu với Jurgen Klopp mà không có chân sút khá nhất của họ từ đầu mùa là Danny Ings.
Trong bối cảnh ấy, ở Arsenal là cả bầu trời tươi đẹp. Các cầu thủ của họ trở về không những khỏe mạnh mà còn hào hứng vì thay phiên nhau tỏa sáng trong hai lượt trận quốc tế vừa qua. Danh sách ấy thật phong phú: Alexis Sanchez ba bàn, Mesut Ozil hai pha kiến tạo, Santi Cazorla hai bàn, Olivier Giroud hai bàn trong khi Aaron Ramsey, Oxlade-Chamberlain và Theo Walcott mỗi người cũng ghi được một bàn. Đã vậy, "những kẻ phản bội" như Cesc Fabregas đá hỏng một quả phạt đền và Robin van Persie phản lưới nhà khiến Hà Lan phải xem Euro 2016 qua truyền hình. Còn gì... sướng hơn thế.
Khi bước vào chuyến làm khách trên sân của Watford hôm nay 17/10, Arsenal thấy cơ hội vô địch của họ bừng cháy trở lại sau khi đã đè bẹp đại kình địch Man Utd 3-0 ở vòng trước. Đấy là một trận đấu mà người ta phải thay đổi cách nhìn về thầy trò HLV Arsene Wenger. Hóa ra họ đâu có ngây thơ và mong manh như định kiến. Họ vẫn có thể kết hợp nhuần nhuyễn những phẩm chất tuyệt vời của cả nghệ sĩ lẫn chiến binh. Những lời bình luận có cánh lại vang lên, những ước vọng ngỡ như đã lụi tàn lại được thắp sáng. Nhưng những người tỉnh táo cần phải biết một điều: đội bóng ấy là Arsenal!
Chuyện họ đả bại Man Utd ba bàn trong một trận đấu đáng gọi là kiệt tác về chiến thuật thực ra cũng không có gì ngạc nhiên. Trong một ngày thăng hoa, Arsenal có thể khiến những ai hiểu họ nhất cũng phải sững sờ. Nhưng trong một ngày tệ hại, họ lại khiến những ai ghét họ nhất cũng phải thấy thương cảm. Với Arsenal, đỉnh cao và vực sâu luôn song hành. Họ ban bật bóng rất hay, họ ban bật luôn cảm xúc của người yêu mến họ.
Ngay trong mùa bóng này, biên độ vui buồn ấy thậm chí còn đều đặn không thua gì đồ thị hình sin. Đang lâng lâng vì danh hiệu Community Shield thì họ thua ngay trong trận ra quân Premier League trước West Ham. Rồi đang thất vọng với trận thua 0-2 trước Chelsea thì họ loại Tottenham ra khỏi Cúp Liên đoàn, đè bẹp Leicester 5-2. Cơn hưng phấn ấy chấm dứt với trận thua Olympiakos 2-3 lãng nhách ở Champions League, trước khi được kéo lên ngoạn mục với chiến thắng 3-0 trước Man Utd.
Cứ thế, làm CĐV Arsenal là phải tập sống trong những phập phồng như vậy. Nhưng bất chấp bị hành hạ thê thảm, những ai yêu Arsenal vẫn được xem là những người chung thủy nhất. Cũng như Wenger, họ quá thiên về tình cảm, đến mức đôi khi bỏ qua lý trí. Số người cảm thấy mệt mỏi với hơn một thập kỷ không vô địch Premier League của Arsenal cũng nhiều, nhưng số người vẫn yêu và chờ đợi không ít. Trong số này có... Chủ tịch Sir Chips Keswick. Trong cuộc họp thường niên của Ban lãnh đạo, ông bảo không ai tốt hơn Wenger để dẫn dắt Arsenal. Hợp đồng của Wenger sẽ hết hạn vào năm 2017, nhưng Sir Chips Keswick bảo ông hy vọng Wenger sẽ tiếp tục làm đến khi nào cảm thấy... mệt mỏi thì thôi.
Mệt mỏi ư? Wenger không mệt mỏi. Cũng trong cuộc họp nêu trên, Wenger bày tỏ ước vọng và mục tiêu của ông trong thời gian tới. Đó là để lại cho người kế nhiệm mình một di sản. Đấy là một Arsenal mạnh, đã sạch nợ và đang làm ăn rất lãi, có một sân vận động mới do chính những năm thắt lưng buộc bụng mà ra, có một đội ngũ trẻ trung nhưng đã đạt đến độ chín. Và ông còn chúc người kế nhiệm mình sẽ thành công hơn chính mình ngày trước.
Đấy là điều khiến Wenger trở nên đáng phục. Nếu mang danh hiệu ra so, Wenger không phải là đối thủ của Sir Alex Ferguson và Jose Mourinho. Nhưng về tình yêu và tận hiến với một CLB, mấy ai sánh được với ông. Khi Sir Alex rời đi, ông để lại Man Utd một đội hình đã đi hết chu kỳ thành công và thiếu vắng những cầu thủ ở đẳng cấp thế giới. Vợ Rafa Benitez từng nói nửa đùa nửa thật là chồng mình luôn phải đi sau và dọn dẹp những tàn tích của Mourinho để lại.
Mourinho là người đặt lợi ích bản thân cao hơn tập thể. Sir Alex dung hòa được cả hai. Còn Wenger là người đưa lợi ích của CLB lên trên bản thân mình. Vui sau cái vui của học trò, lo trước cái lo của những ông chủ. Đấy có thể là một "chuyên gia thất bại" như lời Mourinho dèm pha, nhưng chắc chắn là không một ai đau hơn Wenger khi Arsenal thất bại.
Và với những ai yêu mến Wenger, họ cũng hiểu một điều là hạnh phúc chẳng phải là điểm đến mà là hành trình. Hành trình ấy có thể đầy hoa thơm cỏ lạ, nhưng cũng lắm lúc chồng chất những chông gai. Thế nên thay gì lo âu về hành trình phía trước, chi bằng hãy yêu lấy hiện tại. Trước mắt cứ thắng Watford đã, chuyện vô địch cứ tạm thời gác qua một bên. Như lời một bài hát bất hủ của cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà: Hôm nay ta cứ vui, biết đâu ngày mai vẫn thế...
Hoài Thương