Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 31/10 xác nhận Tổng thống Joe Biden dự kiến gặp và đối thoại "mang tính xây dựng" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị APEC diễn ra tại San Francisco ngày 15-17/11.
Trung Quốc chưa xác nhận ông Tập sẽ đến San Francisco dự hội nghị APEC, song Ngoại trưởng Vương Nghị tuần trước nói rằng "hai bên nhất trí làm việc cùng nhau để hướng tới cuộc gặp giữa hai lãnh đạo tại hội nghị ở San Francisco".
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sau nhiều năm căng thẳng đã có những dấu hiệu ổn định trong vài tháng gần đây, ít nhất là trên bề mặt, theo giới quan sát.
Ryan Hass, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton thuộc Viện Brookings, cho rằng sau nhiều bất đồng và mâu thuẫn gay gắt dưới thời tổng thống Donald Trump, quan hệ Mỹ - Trung gần đây dần đi vào quỹ đạo bình ổn, dù lãnh đạo hai bên không tin rằng họ sẽ đạt được những bước đột phá trong quan hệ song phương.
trong đó yếu tố nổi bật nhất là hai bên đã có những động thái điều chỉnh kỳ vọng
quỹ đạo của mối quan hệ. Đầu tiên, cả Mỹ và Trung Quốc có quan điểm chung về các kỳ vọng.
"Cả Washington và Bắc Kinh đều không ôm lấy những kỳ vọng sai lầm về những bước đột phá hoặc cải thiện đáng kể trong mối quan hệ", Hass nói.
Các lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đều không muốn tình trạng căng thẳng hiện nay leo thang thêm. Trong 4 tháng qua, các cố vấn của ông Biden và ông Tập đã tổ chức nhiều cuộc tham vấn chuyên sâu nhằm tạo tiền đề cho cuộc gặp giữa hai lãnh đạo bên lề hội nghị APEC.
Hai bên đã thiết lập kênh ngoại giao để giải quyết những vấn đề như kiểm soát xuất khẩu, thương mại và mối lo ngại chiến lược của nhau. Washington và Bắc Kinh cũng nối lại hợp tác trong các vấn đề quốc tế, như xung đột Israel - Hamas.
Tuy nhiên, bên dưới những bước cải thiện bề nổi đó, những bất đồng cố hữu giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết, khiến căng thẳng vẫn tiếp tục và cả hai cường quốc đều không có dấu hiệu muốn nhượng bộ.
"Đây là bối cảnh cho cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập. Cuộc gặp sẽ trao cho hai lãnh đạo cơ hội thể hiện tài năng chính trị vào thời điểm tình hình quốc tế có nhiều biến động", Hass cho hay.
Giới quan sát cho rằng vẫn còn quá sớm để nói liệu cả hai lãnh đạo có thể chứng minh con đường ngoại giao mang lại kết quả rõ rệt hay không. Tuy nhiên, cuộc gặp là dịp hiếm hoi để hai bên có thể đạt được phần lớn mục tiêu mà họ tìm kiếm.
Đối với Bắc Kinh, việc duy trì hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế luôn là điều quan trọng. Giới chức Trung Quốc muốn cho thấy ông Tập luôn nhận được sự tiếp đón và tôn trọng của ông Biden. Họ sẽ quan tâm tới hình ảnh hai lãnh đạo tiếp xúc thân thiện và nỗ lực bình ổn quan hệ.
Điều đó có thể đạt được bằng hình ảnh hai lãnh đạo đi dạo cùng nhau, cùng dùng bữa hoặc đơn giản là trò chuyện trực tiếp với nhau sau những cuộc họp chính thức giữa hai phái đoàn.
Mọi dấu hiệu cho thấy lập trường của ông Tập về căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn khá mờ nhạt. Song giới quan sát cho rằng trong cuộc gặp, lãnh đạo Trung Quốc nhiều khả năng sẽ muốn tập trung vào bình ổn quan hệ với Mỹ để nó không leo thang vượt kiểm soát.
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc và tình hình quốc tế phức tạp với nhiều cuộc xung đột bùng nổ, hình ảnh ông Tập dành nhiều thời gian bên Tổng thống Mỹ có thể là một thông điệp nhiều ý nghĩa.
"Nó sẽ cho người dân Trung Quốc thấy rằng nước này vẫn có khả năng quản lý quan hệ với Mỹ, điều mà nhiều người xem là chìa khóa để Bắc Kinh ứng xử với các đồng minh của Washington ở châu Á, châu Âu và nhiều nơi khác", Hass nhận định.
Với cuộc bầu cử ở đảo Đài Loan dự kiến diễn ra vào tháng 1/2024, ông Tập sẽ tìm kiếm lời khẳng định từ ông Biden rằng Mỹ không ủng hộ bất kỳ ứng viên hay đảng chính trị nào ở hòn đảo.
Đổi lại, Mỹ sẽ muốn đạt được những tiến bộ thực chất trong các ưu tiên của họ, như giảm dòng chảy tiền chất fentanyl từ Trung Quốc. Fentanyl, chất gây nghiện mạnh hơn 50 lần so với heroine, đang trở thành vấn nạn khiến giới chức Mỹ đau đầu. Dùng fentanyl quá liều đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với người Mỹ trong độ tuổi 18-45.
Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc là hai nước đi đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI). Cả hai sẽ được hưởng lợi nếu thiết lập kênh trao đổi quan điểm và quản lý và an toàn AI.
Mỹ và Trung Quốc cũng sở hữu những năng lực lớn trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Hai nước từng phối hợp ứng phó nhiều thách thức như khủng hoảng tài chính toàn cầu, xung đột tại Sudan hay dịch Ebola ở Tây Phi. Đại dịch Covid-19 đã cho thấy hậu quả khi hai bên không phối hợp với nhau và thường xuyên đổ lỗi cho bên kia.
"Washington và Bắc Kinh một lần nữa có cơ hội thể hiện vai trò lãnh đạo với xung đột Ukraine và chiến sự Israel - Hamas. Họ có thể đồng ý tăng cường phối hợp về hỗ trợ nhân đạo cho người Palestine, vận chuyển ngũ cốc ở Biển Đen, hay kế hoạch tái thiết Ukraine và Gaza. Họ có thể hợp tác trong nỗ lực kiềm chế leo thang căng thẳng và bạo lực trong các cuộc xung đột", Hass cho hay.
Ngoài những vấn đề này, ông Biden và ông Tập có thể tận dụng cuộc gặp để tạo ra những tác động lâu dài bằng cách thiết lập định hướng cho quan hệ song phương năm tới. Với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra năm 2024, hai lãnh đạo sẽ khó có thể gặp mặt trực tiếp trong năm sau.
Việc thiếu vắng những cuộc gặp trực tiếp cấp thượng đỉnh sẽ khiến việc xác lập định hướng quan hệ, đảm bảo các cố vấn thực hiện đúng chỉ đạo để quản lý mối quan hệ trở nên quan trọng, theo giới phân tích.
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York tháng trước, ông Biden nhấn mạnh mong muốn "quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm" với Trung Quốc để tránh xung đột.
"Chúng tôi muốn giảm thiểu rủi ro chứ không phải tách rời Trung Quốc", ông nói.
Danny Russel, cựu trợ lý Nhà Trắng về khu vực châu Á dưới thời cựu tổng thống Barack Obama, cho biết điểm chung của ông Biden và ông Tập là mong muốn bình ổn quan hệ và tránh "khủng hoảng hay xung đột quốc tế" có thể ảnh hưởng tới đến chương trình nghị sự trong nước của họ.
"Song không ai sẵn sàng đưa ra nhượng bộ đáng kể nào. Do đó, những thỏa thuận trong cuộc gặp chỉ có thể tạo ra tác động xoa dịu trong ngắn hạn, nhưng vẫn là bước cải thiện đáng kể trong quan hệ song phương", ông Russel, hiện là phó chủ tịch phụ trách ngoại giao và an ninh quốc tế tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, nhận định.
Thanh Tâm (Theo Brookings, Washington Post)