Đông Nam Á đã trải qua cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ về nhiều mặt nhờ vào lợi thế giải quyết được những trở ngại của dịch Covid-29 như hạn chế đi lại, tiếp xúc... Phần lớn người tiêu dùng bắt đầu yêu thích mua sắm trực tuyến. Điều này kéo theo việc nhiều doanh nghiệp tìm đến việc kinh doanh trên TMĐT như một lối đi mới để tồn tại và phát triển trong trạng thái bình thường mới.
Đông Nam Á dẫn đầu chuyển đổi số tại Châu Á, Thái Bình Dương
Nghiên cứu "SYNC Đông Nam Á" của Facebook và Bain & Company công bố năm 2021, cho thấy, Đông Nam Á dẫn đầu chuyển đổi số ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Khu vực này có nhiều người tiêu dùng kỹ thuật số hơn, danh mục hàng hóa mua trực tuyến nhiều hơn, doanh số cao hơn. Trong 10 công dân Đông Nam Á từ 15 tuổi trở lên thì có 8 là người tiêu dùng kỹ thuật số; ước tính mỗi người tiêu dùng kỹ thuật số ở Đông Nam Á chi khoảng 381 USD cho mua sắm online trong năm 2021.
Trong đó, Việt Nam được kỳ vọng là một trong những thị trường có sức tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa nền kinh tế số (Internet economyGMV) ước đạt con số 57 tỷ USD vào năm 2025, tăng 2,7 lần so với giá trị ước tính của năm 2021. Động lực lớn cho sự phát triển này đến từ việc Việt Nam có đến 53 triệu người tiêu dùng số vào cuối năm 2021, tức là cứ 7 trong số 10 người tiêu dùng Việt Nam đều được tiếp cận kỹ thuật số.
Những thị trường thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh tại Đông Nam Á có thể kể đến Thái Lan, Indonesia và Philippines. Tại Thái Lan, Chính phủ nước này đã đưa ra mô hình kinh tế "Thái Lan 4.0" nhằm tái định vị và củng cố nền kinh tế của đất nước từ một nền kinh tế dựa vào sản xuất sang một nền kinh tế dựa trên tri thức và dịch vụ. TMĐT là lĩnh vực hàng đầu nhận được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất tại nước này. Điều đó đã khuyến khích các doanh nghiệp địa phương tăng khả năng cạnh tranh và khuyến khích nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới trong các lĩnh vực thương mại trực tuyến, fintech và trí tuệ nhân tạo (AI).
Còn tại Indonesia, các nền tảng TMĐT có vai trò rất quan trọng trong việc giúp các MSME chuyển đổi số. Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Indonesia Bima Laga khẳng định, TMĐT đã thúc đẩy các hoạt động trực tuyến và sự chuyển dịch của các doanh nghiệp sang hoạt động kỹ thuật số.
Trong khi đó, Chính phủ Philippines cũng giới thiệu "Lộ trình Thương mại Điện tử 2022" của nước này với mục tiêu cuối cùng là tạo ra hệ sinh thái TMĐT thúc đẩy sự phát triển của ngành, tạo ra nhiều việc làm lâu dài và giúp nền kinh tế tăng trưởng toàn diện. Ngoài việc mở rộng tăng trưởng kinh tế của đất nước, chính phủ Philippines cam kết làm việc với các quốc gia thành viên ASEAN để hỗ trợ TMĐT và chương trình chuyển đổi kỹ thuật số lớn hơn của khu vực, cũng như việc thực hiện Hiệp định ASEAN về Thương mại Điện tử.
Động lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam chuyển đổi số
Tại Việt Nam, TMĐT đã giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ duy trì kinh doanh hiệu quả trong giai đoạn làn sóng dịch Covid-19 thứ tư năm 2021 và phục hồi kinh tế trong bình thường mới. Theo báo cáo eConomy 2021 của Google, Temasek và Bain & Company, có đến 71% người Việt đã thực hiện ít nhất một giao dịch trực tuyến trong năm 2021. Trong đó, TMĐT trở thành nhân tố phát triển chính của nền kinh tế số Việt Nam.
Ông James Dong - Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam và Thái Lan cho biết Lazada Việt Nam đã chứng kiến số lượng người bán hàng tham gia kinh doanh trên nền tảng này tăng mạnh trong năm qua. Cụ thể số lượng nhà bán hàng đăng ký gian hàng mới trên Lazada đã tăng từ 2 tới 3 lần so với trước dịch. Điều này cho thấy chuyển đổi số không còn là xu hướng nhất thời, mà đã dần trở thành kênh kinh doanh tất yếu trong bối cảnh hiện nay.
Mặc dù chuyển đổi số là xu hướng tất yếu nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện thành công. Hiểu điều này, Lazada liên tục triển khai những sáng kiến hỗ trợ SMEs tham gia kinh doanh trên sàn. Đây là chiến lược lâu dài của Lazada, được thể hiện đồng bộ và xuyên suốt trong mỗi giai đoạn kinh doanh của nhà bán hàng.
Đối với nhà bán hàng mới, Lazada triển khai những chương trình hỗ trợ đặc biệt để khuyến khích nhà bán hàng mạnh dạn mở gian hàng, chuyển đổi số doanh nghiệp. Trong đó, có thể kể đến chương trình LazMaster nhằm hướng dẫn các nhà bán hàng vừa bước vào kinh doanh trên TMĐT. Đây được xem là dự án trọng điểm - nơi các nhà bán hàng mới học hỏi kinh nghiệm lẫn những thách thức hiện hữu của doanh nghiệp để cùng nhau giải quyết.
Với các nhà bán hàng kinh doanh trên Lazada, nền tảng TMĐT này còn đào tạo kỹ năng và huấn luyện nhà bán hàng về kiến thức thương mại điện tử và vận hành gian hàng tại Lazada University. Tháng 5/2021, Lazada ra mắt kênh thông tin trực tuyến Lazada360.vn nhằm mang đến những thông tin quan trọng về chính sách, hoạt động, sự kiện và các chương trình nổi bật dành cho nhà bán hàng. Bên cạnh đó, Lazada360.vn còn cung cấp những bí quyết và cập nhật mới nhất từ các ngành hàng để hỗ trợ người bán tăng trưởng doanh thu. Nền tảng TMĐT này cũng chú trọng xây dựng cộng đồng nhà bán hàng vững mạnh để kết nối và giúp các nhà bán hàng tương tác nhiều hơn. Nổi bật là sự phát triển của "Cộng đồng Nhà bán hàng Lazada"- nơi các nhà bán hàng có thể tương tác với nhau, thoải mái đặt câu hỏi để được giải đáp, chia sẻ những kinh nghiệm kinh doanh thực chiến.
Bên cạnh đó, Lazada cũng tích cực cung cấp cho SME tại Việt Nam các giải pháp và công cụ kinh doanh hiệu quả, phù hợp nhu cầu người dùng và xu hướng phát triển của ngành như giải pháp tiếp thị, giải pháp tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing), livestream...
Lazada hỗ trợ nhà bán hàng chuyển đổi số thành công
"Thời gian qua, số lượng nhà bán hàng mở gian hàng trên sàn Lazada tăng 2-3 lần, nhờ các chính sách hỗ trợ cũng như các kênh đào tạo chính thống và đội nhóm cộng đồng hỗ trợ nhà bán hàng", anh Lê Đức Duy, nhà bàn hàng có 5 năm kinh nghiệm trên Lazada chia sẻ.
Anh Duy là người xây dựng thành công thương hiệu trà truyền thống của gia đình trên sàn TMĐT Lazada. Doanh thu gian hàng của anh hiện ổn định ở mức 20.000 USD. Năm 2019, anh bắt đầu cộng tác cùng Học Viện Lazada, góp phần truyền cảm hứng kinh doanh TMĐT đến nhiều nhà bán hàng trẻ. Nhờ những kinh nghiệm về phân tích và tối ưu từ khóa trên TMĐT hay cách cơ cấu nhân sự và vận hành TMĐT, anh Duy đã giúp nhiều nhà bán hàng mới khởi nghiệp thành công.
Cũng là người nhanh nhạy nắm bắt cơ hội phát triển khi TMĐT bùng nổ tại Việt Nam, anh Phạm Minh Hoàng đã từ bỏ công việc hơn 7 năm của một lập trình viên để khởi nghiệp với TMĐT. Lựa chọn Lazada làm nơi phát triển thương hiệu, nhờ sự hỗ trợ của Học viện Lazada và cộng đồng nhà bán hàng, công việc kinh doanh của anh phát triển tốt.
Khởi nghiệp khi dịch bệnh hoành hành nhưng nhờ sự nhanh nhạy với thị trường, anh Hoàng đã phát triển tốt gian hàng. Hiện, tốc độ tăng trưởng gian hàng mỗi tháng của anh ở mức 20-30%; vào những ngày có chiến dịch lớn có thể gấp 3-4 lần.
"Nhiều người cho rằng, bán hàng trên TMĐT rất khó bởi giao diện phức tạp nhưng với tôi đó lại là một lợi thế vì sẽ hạn chế được sự cạnh tranh. Tôi đang tập trung toàn lực để xây dựng TMĐT thành kênh mang lại thu nhập chính", anh Hoàng chia sẻ.
Theo các chuyên gia, sau hai năm bùng nổ với mức tăng trưởng đáng kinh ngạc, thương mại điện tử 2022 được dự đoán sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp thay đổi chiến lược kinh doanh, gia tăng tiếp thị, tương tác với khách hàng. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nắm bắt thời cơ và lên chiến lược chặt chẽ, khảo sát thị trường, nhu cầu người dùng để có giải pháp phát triển và bứt phá.
Huyền Anh