Tại Tọa đàm giữa các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp sáng nay, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết “đóng góp then chốt nhất của ngoại giao thời gian qua là duy trì và củng cố môi trường quốc tế thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn với các đối tác nước ngoài”.
Ngoài việc cung cấp thông tin, thúc đẩy hợp tác, tổ chức diễn đàn xúc tiến đầu tư, du lịch, nhiều Đại sứ, Tổng lãnh sự còn đích thân tiếp thị nông sản và du lịch Việt Nam tại nước ngoài. Các cơ quan đại diện cũng hỗ trợ doanh nghiệp trong những phiên điều trần, phán quyết, đồng thời giảm thiểu rủi ro kinh doanh khi hỗ trợ xác minh đối tác tại nước ngoài.
Tuy nhiên, ông nhận định tình hình thế giới đang thay đổi, khiến doanh nghiệp gặp nhiều thách thức. Đó là chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, rủi ro từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bên cạnh đó, việc thực hiện cam kết mở cửa và tham gia thêm nhiều hiệp định thương mại tự do cũng sẽ khiến doanh nghiệp thêm khó.
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cũng đồng tình với nhận định này. Ông cho rằng các cuộc chiến tranh thương mại hiện tại trên thế giới có phạm vi và lĩnh vực rộng, cũng như áp dụng các biện pháp mạnh. Chúng không chỉ là chiến tranh thương mại thuần túy, mà còn là cuộc chiến về chính trị, an ninh và khoa học công nghệ.
Ông dự báo việc này sẽ có tác động lên nhiều mặt, từ tiền tệ, giá cả, quan hệ giữa các thị trường và các thể chế đa phương. Những tác động này còn tùy từng lĩnh vực và có thể rải rác qua nhiều năm. Với Việt Nam, ông khuyến nghị các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ và xác thực thông tin về các diễn biến trên thế giới, theo dõi chặt từng ngành hàng cụ thể và đề phòng những hành động khiến Việt Nam trở thành mục tiêu.
Trong phần thảo luận, đại diện một số doanh nghiệp Việt có hoạt động mạnh tại nước ngoài, cùng các đại sứ cũng bàn bạc về tình hình thế giới mới và cơ hội, thách thức cho Việt Nam. Các diễn giả nhận định ngoại giao có vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ cả về thông tin, pháp lý trong quá trình doanh nghiệp mở rộng kinh doanh ra nước ngoài. Các hiệp định thương mại, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được kỳ vọng có hiệu lực từ năm tới, được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội.
Tuy nhiên, căng thẳng thương mại cũng khiến họ lo ngại sẽ chịu ảnh hưởng. Trên thực tế, một số lĩnh vực, như nhôm, thép hay dệt may đã phần nào chịu tác động từ việc này.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng trong bối cảnh mới, nhu cầu của doanh nghiệp sẽ nhiều hơn, phức tạp hơn và khó đáp ứng hơn. Vì vậy, các cơ quan đại diện và doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác để khắc phục khó khăn và cùng phát triển.
Hà Thu