Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 9 ở San Francisco, Mỹ ngày mai sẽ mở phiên tranh luận đầu tiên giữa các thẩm phán phụ trách để xem xét sắc lệnh hành pháp hạn chế nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump, theo Reuters.
Phiên tranh luận được mở sau khi tòa phúc thẩm này nhận được đơn kháng nghị của Bộ Tư pháp Mỹ, yêu cầu khôi phục ngay lập tức sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của ông Trump và đảo ngược phán quyết mà ông James Robart, thẩm phán tòa liên bang Tây Washington, đưa ra để đình chỉ tạm thời sắc lệnh gây tranh cãi đó.
Theo các chuyên gia pháp lý, Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 9 có vai trò rất hạn chế trong giai đoạn đầu của cuộc chiến pháp lý này. Trong phiên tranh luận đầu tiên, các thẩm phán sẽ xem xét xem liệu thẩm phán Robart ở Seattle có lạm dụng quyền lực của mình khi ra phán quyết trên hay không, theo giáo sư luật Adam Steinman ở Trường Luật Đại học Alabama.
Trong hồ sơ nộp lên tòa hôm chủ nhật, các luật sư đại diện cho bang Washington cho rằng lệnh hạn chế nhập cảnh của ông Trump đã khiến bang này thất thu thuế, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, khiến các gia đình ly tán và một số sinh viên, giảng viên bị mắc kẹt ở nước ngoài.
Các luật sư của Bộ Tư pháp đại diện cho bên bị lại gọi các tổn thất mà bang Washington nêu ra trong đơn kiện là "không thực tế và suy diễn". Tuy nhiên thẩm phán Robart lại nhận định rằng bang Washington có cơ hội thắng kiện cao hơn, nên quyết định ra phán quyết tạm đình chỉ sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của Trump trên toàn quốc.
Để xem xét lệnh tòa này của thẩm phán Robart, Tòa Khu vực 9 sẽ phải kiểm tra xem liệu chính phủ liên bang có chịu tổn thất không thể khắc phục được nếu lệnh tòa của thẩm phán này tiếp tục có hiệu lực hay không, và liệu nó có thể hiện cơ hội thắng kiện cao cho bên nguyên trong vụ việc hay không.
Tòa Khu vực 9 có thể bảo lưu lệnh của thẩm phán Robart, trả hồ sơ về tòa liên bang Tây Washington để tiếp tục xét xử, hoặc tuyên hủy bỏ lệnh này, tái khởi động sắc lệnh của Trump. Trong cả hai trường hợp, bên thua nhiều khả năng sẽ kháng cáo lên Tòa án Tối cao, nơi có quyền ra phán quyết cuối cùng về vụ việc.
Cơ hội thắng thua
Đại diện Bộ Tư pháp Mỹ tranh luận trước tòa
Đến nay đã có ít nhất hai phán quyết của tòa liên bang về sắc lệnh hạn chế nhập cư của ông Trump. Hôm 3/2, thẩm phán tòa liên bang ở Boston ra phán quyết dài 21 trang, từ chối gia hạn lệnh tạm ngừng trục xuất những người nhập cảnh vào Mỹ thuộc diện bị điều chỉnh bởi sắc lệnh của Trump. Ngay sau đó là phán quyết của thẩm phán Robart, có hiệu lực trên toàn quốc.
Nhà Trắng cho rằng họ nhiều khả năng sẽ thắng kiện vì bang Washington không có căn cứ để chống lại việc từ chối cấp thị thực hay cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài vào Mỹ, cũng như việc sắc lệnh của ông Trump không hề có sai sót nào về pháp lý.
Các chuyên gia về pháp lý trên chuyên trang về luật Lawnewz cho rằng khi xem xét bản phán quyết mà thẩm phán Robart đưa ra, họ nhận thấy có nhiều điểm thiếu căn cứ pháp lý, khiến Nhà Trắng có cơ hội cao hơn để giành chiến thắng trong vụ kiện.
Hệ thống tòa án ở Mỹ
Theo biên bản ghi chép tại phiên tranh luận ở Seattle, thẩm phán Robart tin rằng theo nguyên tắc đánh giá lý tính (rational basis), các cơ quan chính phủ có nghĩa vụ chứng minh bằng các dữ liệu thực tế trước tòa rằng lập trường của họ là đúng đắn. Điều này có nghĩa là Nhà Trắng phải có các số liệu chứng minh trước tòa rằng những người nhập cảnh từ 7 nước Hồi giáo trong sắc lệnh của Trump sẽ gây hại đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Tuy nhiên, thẩm phán ở Boston chỉ ra rằng cách diễn giải luật này trái với các án lệ trước đây. Đó có thể là lý do lập trường của thẩm phán Robart bị thất thế trong các phiên tòa phúc thẩm, khiến Trump giành chiến thắng.
Theo giải thích của thẩm phán tòa Boston, Tòa án Tối cao cho rằng nguyên tắc đánh giá lý tính "không phải là giấy phép để các tòa án phán xét sự khôn ngoan, công bằng hay logic của các quyết định hành pháp". Tòa án Tối cao cũng tái khẳng định tôn trọng các cơ quan hành pháp trong lĩnh vực nhập cư và các tòa án không nên can thiệp vào luật nhập cư bằng một phán quyết "chính sách nhạy cảm".
Theo luật sư Robert Barnes chuyên bào chữa các vụ việc về quyền công dân tại tòa sơ thẩm California, sắc lệnh của Trump đã thể hiện rõ ràng mối quan ngại trước "nguy cơ xâm nhập của các phần tử khủng bố nước ngoài" từ các quốc gia bị liệt kê nếu không có quá trình thẩm tra nghiêm ngặt hơn, coi đây là lý do để ra sắc lệnh.
Tuy nhiên, thẩm phán Robart lại tin rằng quá trình thẩm tra như vậy là không "hợp lý" trừ phi có dữ liệu cho thấy có phần tử cực đoan nước ngoài đã gây ra vụ tấn công khủng bố thành công trong lòng nước Mỹ. Các chuyên gia này cho rằng đây là hành động phê phán quyết định hành pháp mà không nhìn ra lý do làm cơ sở cho quyết định đó.
Dưới góc nhìn của các thẩm phán tòa tối cao, phê phán quyết định của Trump là công việc của các cử tri, không phải các thẩm phán. Tòa án Tối cao từ lâu cũng đã cấm các thẩm phán có hành động phê phán quyết định của nhánh hành pháp. Bởi vậy, phán quyết của ông Robart nhiều khả năng sẽ bị Tòa án Tối cao bác bỏ để khôi phục sắc lệnh của Trump.
Tuy nhiên, Tòa án Tối cao hiện nay chỉ có 8 thẩm phán, khiến khả năng xảy ra tỷ lệ biểu quyết 4-4 đối với vụ việc có thể xảy ra. Trong trường hợp này, vụ kiện sẽ được chuyển xuống tòa phúc thẩm và cuộc chiến pháp lý giữa hai bên có thể kéo dài trong nhiều tháng trước khi phán quyết cuối cùng được đưa ra.
Trí Dũng