Với nhiều người thuộc thế hệ 8X như tôi, thi đại học là một trong những chuyện trọng đại nhất, thậm chí, với không ít người, thi đỗ đại học được coi là cánh cửa duy nhất để bước vào cuộc đời.
Khi đó, chúng tôi luôn được bố mẹ dạy rằng: "Học để thoát nghèo", "Học để ở lại Hà Nội làm việc, không phải về quê". Do đó, việc thi đại học được coi là con đường duy nhất đến thành công, nhiều học sinh từ các vùng quê nghèo ở nông thôn, miền núi như tôi có động lực và quyết tâm chinh phục cánh cửa đại học là rất cao.
Tôi sinh năm 1982 nhưng đi học sớm một năm nên học cùng với các bạn sinh năm 1981. Dù chỉ là một cô bé 17 tuổi, sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền núi nghèo của Tây Bắc, không hề xuống Hà Nội luyện thi ngày nào.
Bố đưa tôi xuống trước khi thi một ngày để làm thủ tục dự thi, bố chở tôi bằng xe máy từ Hòa Bình xuống Hà Nội, đi thuê nhà trọ dành cho sinh viên ở gần trường tôi thi với giá 20.000 đồng một ngày. Hai bố con ở một phòng trọ, chịu thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt nhất trong năm, buổi tối trước khi thi tôi phải ngồi ôn lại bài dưới bóng điện không đủ ánh sáng và mồ hôi cứ chảy ròng ròng vì nóng.
Đến ngày thi, bố dẫn tôi đi bộ sang trường, tôi tự vào thi, bố chờ ở ngoài cổng trường đến khi tôi thi xong thì bố đưa đi ăn cơm. Hai bố con ở Hà Nội 6 ngày cho 2 đợt thi đại học.
Không có điều kiện ôn thi tốt như các bạn học sinh ở Hà Nội, nhưng tôi luôn tự tin vào bản thân sẽ thi đỗ đại học bằng chính khả năng của mình. Sau khi thi xong hai trường đại học là bố đưa tôi về quê vì tôi tự tin không cần đăng ký thi cao đẳng.
Có lẽ, nhiều bạn học sinh bây giờ sẽ cho rằng tôi là kẻ tự tin thái quá, điếc không sợ súng mới làm thế. Nhưng thực sự tôi luôn tự tin vào chính mình, làm hết sức mình mà không bao giờ có suy nghĩ sẽ có hành vi gian lận trong thi cử hoặc nhờ vả ai giúp đỡ để có thể đỗ đại học.
Đến ngày báo chí đưa tin ngày nào trường sẽ công bố kết quả thi, bố lại chở tôi xuống Hà Nội xem bảng điểm dán ở trường và may mắn là tôi thi đỗ trường đại học tôi thích. Khi đó, tỷ lệ đỗ đại học rất thấp, cơ hội vào đại học không dễ dàng như bây giờ. Gia đình nào có con thi đỗ đại học thì rất tự hào và bố mẹ luôn cố gắng kiếm tiền để cho con ăn học tử tế.
Thời của tôi không phát triển internet, không có điện thoại di động. Việc tiếp cận với thông tin về ngành, nghề, trường hay tìm tài liệu ôn thi là vô cùng khó. Bố mẹ tôi làm công chức đơn thuần, không biết nhiều thông tin về các trường đại học hay ngành, nghề nào sẽ phát triển trong tương lai để định hướng từ nhỏ.
Tôi buộc phải tự xác định rõ tiêu chí lựa chọn của mình dựa trên năng lực của bản thân; chọn ngành, nghề dựa trên sở thích của mình; chọn ngành, nghề phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, tìm hiểu nhu cầu xã hội.
Tôi dựa vào thế mạnh, sở thích, tính cách, điều kiện của mình để xác định được bản thân phù hợp với ngành, nghề nào. Từ thời đi học cấp 2, giáo viên dạy tiếng Anh đã phê vào học bạ của tôi là em có năng khiếu về ngoại ngữ nên cấp 3 tôi thi vào chuyên Anh. Môn học mà tôi yêu thích cũng là ngoại ngữ. Tính cách của tôi hướng nội, thích sự ổn định, thích đi dạy nên tôi xác định mình chọn ngành ngoại ngữ, nghề sư phạm và đăng ký thi vào các trường có ngành này.
Tôi quan tâm đến điều kiện kinh tế của gia đình. Bố mẹ tôi làm công chức, không có thu nhập nào ngoài lương, phải nuôi 3 chị em tôi ăn học nên kinh tế chỉ đủ nuôi con ăn học ở mức trung bình. Nếu tôi học hệ sư phạm thì sẽ không phải nộp học phí, bố mẹ chỉ cần cho tôi tiền ăn uống và tiền ở ký túc xá, ăn một bữa cơm trong ký túc xá lúc ấy chỉ mất 1.500 đồng một bữa, mỗi tháng mẹ chỉ cần cho tôi 300.000 đồng là đủ sống ở Hà Nội. Học sư phạm sẽ đỡ tốn tiền của bố mẹ, bố mẹ còn nuôi hai em gái của tôi.
Có thể nói, từ khi còn là học sinh phổ thông cho đến bây giờ, tôi luôn tự đặt ra mục tiêu phấn đấu cho bản thân, tự lập kế hoạch học tập để có thể đạt được mơ ước của mình. Bố mẹ tôi không bao giờ phải nhắc tôi học, chỉ nhắc tôi là học nhiều quá. Bố mẹ không ép tôi phải học ngành gì, nghề gì, trường gì, luôn tôn trọng ý kiến của tôi và ủng hộ tôi đi học, nuôi tôi học hết đại học. Còn tất cả các bằng cấp khác tôi học sau khi tốt nghiệp đại học là do tôi tự kiếm tiền, vừa làm vừa học vừa kết hôn vừa sinh con, một lúc phải cố gắng làm nhiều việc sao cho có đủ khả năng hoàn thành tốt công việc cơ quan vừa nuôi dạy con tốt.
>> Chia sẻ bài viết truyền cảm hứng của bạn tại đây.
Tôi luôn suy nghĩ rằng mình là dân tỉnh lẻ, không có ai ở Hà Nội giúp mình, bố mẹ ở quê không có khả năng xin việc cho tôi ở Hà Nội, không có tiền để mua nhà ở Hà Nội cho tôi.
Vì thế, tôi luôn phải nỗ lực gấp 200% sức lực để học tập, làm việc chăm chỉ tự lo cho bản thân và gia đình nhỏ của mình.
Suốt 25 năm sống, học tập và làm việc ở Hà Nội đã phải trải qua rất nhiều vất vả, khó khăn, những điều không may mắn, sóng gió ập đến cùng một lúc cả trong công việc lẫn gia đình. Có những giai đoạn tưởng chừng như bản thân không còn đủ sức để vượt qua nhưng rồi tôi cũng vượt qua hết.
Tôi rút ra được kinh nghiệm sau nhiều năm rằng, điều quan trọng nhất là bố mẹ không được bao bọc con kỹ, cần rèn con mình có tính tự lập từ nhỏ, khi con tự giác học, tự xác định được mục tiêu phấn đấu thì con sẽ tự biết phải làm gì mà không cần bố mẹ ép học hay phải tìm cách ngoại giao với thầy cô để xin điểm cho con hay phải nhờ các mối quan hệ để xin cho con được vào học trường tốt mà không phải thi đỗ bằng chính thực lực của con.
Thế hệ 8x của chúng tôi, đặc biệt là những ngưởi ở tỉnh lẻ đa phần là tự lập, tự học, tự xin việc bằng chính năng lực của bản thân chứ không dựa dẫm vào bố mẹ. Thế hệ học sinh ngày nay được hưởng mọi điều kiện học tập, kinh tế tốt hơn trước rất nhiều, nhiều em ỷ lại vào sự bao bọc của bố mẹ nên không xác định được mục tiêu rõ ràng, học lớp 12 sắp thi đại học vẫn không biết mình sẽ chọn ngành, nghề, trường nào, vẫn để bố mẹ phải tự tìm hiểu, tự quyết thay con.
Vũ Thị Minh Huyền