Cách đây hơn 10 năm, có một đứa em trai của bạn đồng nghiệp của tôi lúc đó đang làm công nhân sản xuất ở dưới xưởng. Do công ty làm ăn khó khăn giảm nhân công nên anh ta phải nghỉ việc, lúc đó anh ta mới lập gia đình, cả hai vợ chồng đều ở trọ.
Sau khi nghỉ công ty có lần tôi thấy anh ta đi làm thuê cho một cơ sở làm bảng hiệu. Hai năm sau đó người đồng nghiệp của tôi chia sẻ là anh ta đã tách ra, thuê mặt bằng làm riêng, đưa anh em ở quê lên lên làm cùng.
Vừa rồi đồng nghiệp có đưa tôi đến cơ sở làm anh của anh ta chơi. Ngoài xưởng làm bảng hiệu còn một xưởng cơ khí rất lớn chuyên thiết kế và gia công những công cụ hỗ trợ trong sản xuất cho các công ty nước ngoài.
Đôi khi nghĩ lại ngày đó công ty không giảm nhân lực thì anh ta giờ vẫn đi làm công nhân, chỉ khi có sự thay đổi, ý chí, nghị lực, chăm chỉ làm việc mới có được thành quả.
Ngành nghề kỹ thuật nhất là cơ khí, thợ máy hầu như ít có khái niệm thất nghiệp. Ngành nghề này càng lớn tuổi tay nghề càng cao tùy theo trình độ chuyên môn. Về quy trình sản xuất, ông quản lý có nghỉ một tuần thì công ty vẫn hoạt động được, chứ mấy ông thợ máy nghỉ vài ngày là mệt mỏi.
Những thợ máy khi có kinh nghiệm đa phần họ nhảy ra ngoài làm khi có điều kiện tốt, chỉ làm công ăn lương khi điều kiện không cho phép.
Tỷ lệ học sinh khi tốt nghiệp THPT rất ít người theo học ngành kỹ thuật này. Vì nó vừa khó từ lý thuyết, công việc chân tay dính thì toàn dầu mỡ, không ăn mặc đẹp, ngồi mát như những ngành nghề khác. Do vậy cái gì cũng có cái giá của nó hết.
Trong khi đó, nhiều người làm ở các ngành khác than không kiếm được việc vì lớn tuổi. Những lao động đi bán kiến thức nó có khác gì doanh nghiệp sản xuất bán sản phẩm?
Sản phẩm muốn được khách hàng tin tưởng dùng thì luôn luôn phải cải thiện được mẫu mã, chất lượng và giá. Kiến thức cũng vậy, đâu phải học xong rồi ra đi làm cứ thế là dùng mãi suốt đời. Phải luôn trau dồi kiến thức, cập nhật nâng cấp liên tục để thích nghi với từng thời điểm.
Tôi có người bạn đã từng ngồi vào vị trí manager ở hai công ty gần 15 năm, khi ở cái tuổi 50 đành phải nghỉ việc vì không thể cạnh tranh với lớp trẻ mới ngoài 30 tuổi, họ đã làm cấp quản lý cao hơn. Nhưng cũng có những người bạn cùng lứa tuổi giờ họ thuộc nhóm quản lý cấp cao trong những tập đoàn đa quốc gia.
Tôi nghỉ việc công ty nay được 9 năm ở cái tuổi 45 sau 22 năm đi làm cho hai công ty. Ngày còn đi làm công ăn lương chưa bao giờ tôi lo lắng nếu công ty làm ăn không tốt, giảm biên chế rồi sẽ làm gì để sống, xin việc ở đâu.
Ngày tôi xin nghỉ việc thì công ty muốn tôi ở lại làm việc thêm một năm nữa, nhưng tôi không thể ở lại được. Lúc đầu công ty tưởng tôi có chỗ làm tốt hơn nên có nhã ý... nhưng tôi nói là nghỉ về nhà làm việc chứ không đi làm nữa.
Vậy đâu phải lớn tuổi là công ty không trọng dụng, vấn đề là mình phải có năng lực tạo ra cho họ cái gì họ cần thì mới giữ lại.
Hùng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.