Ông hàng xóm sát vách nhà tôi là một ví dụ về kiểu người có tiền nhưng đày đọa mình và người thân sống khổ sở. Có hàng trăm câu chuyện để kể về sự "tiết kiệm" của ông ấy. Cũng nhờ tiết kiệm mà ông ấy có nhà để ở, có xe máy, ôtô để đi. Tổng tài sản theo như tôi biết là có vài mảnh đất và hai căn hộ đang cho thuê. Nếu không đi làm, gia đình ông ấy hoàn toàn có thể sống dư dả với những nguồn thu nhập thụ động đó. Nhưng oái oăm thay, cuộc sống của ông ấy khá ngột ngạt, chưa kể là bị hàng xóm dè bỉu, anh em khinh thường.
Tôi xin kể vài nét về lối sống của người hàng xóm bị ám ảnh tiết kiệm này. Đầu tiên, đàn ông xóm tôi có vài người, cũng khá hòa đồng và thân thiện với nhau. Cuối tuần thường tổ chức nhậu tán dóc. Thí dụ nhà anh A hôm nay có mồi thì anh B xách thùng bia, anh C hùn tráng miệng trái cây. Đổi lại tuần sau anh B làm gỏi gà thì anh C thùng bia, anh A đem chai rượu thuốc...
Xoay vòng nay nhà anh này thì mốt nhà anh khác. Nhưng đã bao nhiêu năm trời làm hàng xóm với nhau, anh em vẫn chưa có cơ hội đến nhà của người đàn ông hà tiện đó. Mà oái oăm là cuộc nhậu nào cũng có anh ấy góp mặt. Thậm chí còn rất năng nổ nhắn tin tụ họp. Nhiều lúc anh em nói móc, nói mỉa để ông ấy ý thức được tính bủn xỉn của mình nhưng vẫn cứ trơ ra như bình thường.
Rồi nhà sát vách nhau nên xin xài ké wifi của nhà tôi vì đỡ được khoản tiền mạng hàng tháng. Sau này, khi hai đứa con ông ấy đi làm, nhu cầu xài mạng nhiều thì chúng tự bỏ tiền ra mua thuê bao và lắp đặt mạng. Tôi thì khá thông cảm cho bà vợ của ông ấy. Tính tình chị không đến nỗi nào, khá xởi lởi nhưng vướng phải ông chồng hà tiện như thế nên cuộc sống rất ngột ngạt. Có lần, vào mùa mưa, trời mưa như trút mấy hôm liên tiếp, tôi thuê taxi cho vợ đi siêu thị mua đồ. Còn ông hàng xóm thì vẫn nhất quyết trùm áo mưa chở vợ đi. Tiết kiệm được mấy đồng bạc nhưng vợ chồng ướt như chuột lột, chưa kể phải lội bì bõm cả cây số vì nước ngập, xe chết máy.
Một số người như ông hàng xóm của tôi là đại biểu cho lối sống nhầm lẫn giữa tiết kiệm và keo kiệt. Dù hai khái niệm này có điểm chung là tiết chế việc tiêu xài nhưng nếu vượt qua lằn ranh đỏ thì tiết kiệm sẽ biến thành keo kiệt. Và khi đã trở thành người như thế họ sẽ là nô lệ của đồng tiền, hơn hết là không ý thức được mình là người keo kiệt mà luôn nghĩ mình đang tiết kiệm, gây phiền toái tới người khác, kể cả người thân.
Văn Dũng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.