Hôm 5/9, cô Lâm Thị Ngọc Linh, giáo viên trường Tiểu học An Hạ, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, cùng 5 thầy cô giáo hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm và nhập liệu tại điểm test Covid-19 cộng đồng ở xã. Lúc nghỉ ngơi, xem bức ảnh khai giảng năm ngoái được Facebook và Zalo nhắc lại, cô Linh lại nhớ học sinh.
Mọi năm vào ngày này, cô giáo lớp 1 dậy sớm, mặc áo dài đến trường để chuẩn bị đón học trò. Sau lễ khai giảng, các em ra về, còn giáo viên ở lại họp mặt đầu năm. Nhưng năm nay thay vì mặc áo dài đến trường đón năm học mới, cô lại mặc đồ bảo hộ đi chống dịch.
Cô Linh tình nguyện hỗ trợ điểm tiêm vaccine, nhập liệu, điều phối và đi chợ hộ từ giữa tháng 7. Gia đình ban đầu không đồng ý vì nguy cơ lây nhiễm nhưng sau khi được thuyết phục, ba mẹ cô đã ủng hộ. Để giữ an toàn cho người thân, cô cùng nhóm giáo viên không về nhà mà ở tại trường Tiểu học An Hạ.
Những ngày đầu, chưa quen lịch làm việc từ 7h30, có hôm kết thúc lúc 20h, cô Linh mệt mỏi, toàn thân đau nhức. "Những nghĩ mình đã được tiêm đủ vaccine, còn trẻ khỏe, phải tham gia để dịch mau chấm dứt, thầy trò mới có thể đến trường", cô giáo chia sẻ.
Đi tình nguyện nhưng cô Linh vẫn mang theo sách giáo khoa lớp 1 và máy tính. Ngày chống dịch, đêm về cô soạn bài, lên kế hoạch thiết kế bài giảng. "Tôi soạn bài giảng trình chiếu có nhiều hình ảnh sinh động, sau đó nhờ phụ huynh quay clip các bé đọc bài, viết bài rồi chụp hình gửi giáo viên chấm. Tôi vẫn đang tham khảo thêm phương pháp khác để giúp các em dễ tiếp thu nhất", cô nói.
Ngày 20/9 tới, học sinh tiểu học TP HCM bắt đầu học trực tuyến. Từ đầu tháng 9, cô Linh đã nhận lớp 34 học sinh, có buổi gặp gỡ phụ huynh để nắm bắt tình hình. Lớp có hai học sinh liên quan đến ca Covid-19, trong đó một trường hợp đã cách ly về, một em đang điều trị cùng gia đình tại bệnh viện.
Một số hộ khó khăn, không đủ điều kiện cho con học trực tuyến. Phụ huynh phải đi làm cả ngày, không ai hướng dẫn con học. Trong buổi họp phụ huynh sắp tới, cô giáo tính trao đổi, linh động thời gian theo phụ huynh để có lịch học phù hợp.
Cô giáo 25 tuổi cho biết, năm ngoái sách giáo khoa mới, chương trình nặng, lớp lại đông (45 học sinh) khiến cô khá vất vả và mất thời gian làm quen. Năm nay đã quen chương trình nhưng cô, trò chưa gặp nhau. Cô giáo trẻ có chút lo lắng khi phải dạy online cho học sinh lớp 1 ngay từ đầu. "Sắp tới vào dạy chính thức, tôi sẽ sắp xếp thời gian để vẫn tham gia chống dịch được. Nếu sáng có tiết dạy, chiều tôi sẽ đi hỗ trợ các điểm, còn tối thì chấm bài", cô cho hay.
Cô Nguyễn Thị Bích Thủy, giáo viên trường Tiểu học Lê Minh Xuân 3, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, cùng nhóm giáo viên đi chống dịch với cô Linh. Khác với mọi năm, năm nay trường cô Thủy không tổ chức khai giảng online vì đang sửa chữa và dịch bệnh.
Nhưng sáng ngày khai trường, các cô dậy sớm để rủ nhau đi "khai giảng" tưởng tượng. "8h là hết giờ làm lễ, sắp tới phần hội thao, cả nhóm cứ thế sống lại những kỷ niệm của ngày tựu trường mọi năm, để vơi đi nỗi nhớ trường, nhớ lớp và học sinh", cô Thủy kể.
Hai tuần nay, cô Thủy kết nối với phụ huynh để hướng dẫn sử dụng phần mềm học trực tuyến và trấn an họ. Hai tuần nữa trường bắt đầu học nhưng tới giờ, học sinh vẫn chưa có sách giáo khoa. Hàng ngày sau khi đi hỗ trợ các điểm lấy mẫu xét nghiệm và nhập liệu về, cô giáo lớp 5 tranh thủ soạn bài, thiết kế bài tập, hệ thống kiến thức, công thức toán học để gửi qua Zalo cho phụ huynh.
Thời gian nghỉ dịch dài, kiến thức của học sinh rơi rụng nhiều, để giúp các em bắt nhịp với việc học, cô Thủy gửi những dạng bài toán phân số, ôn lại kiến thức lớp 4. Khi học chính thức, cô sẽ gửi clip bài giảng qua Zalo cho những học sinh nào không kết nối được với phần mềm học trực tuyến.
Cô Thủy cũng thống nhất với phụ huynh, sẵn có bảng và phấn ở trường, sẽ giảng bài trên Google Meet để hỗ trợ các em học tập. Trường hợp gia đình khó khăn, không có điện thoại thông minh kết nối mạng, cô Thủy dự định gửi bài trực tiếp đến cho các con.
Cô giáo thấy may mắn khi nhận được sự ủng hộ của nhà trường và thầy cô trong khối. Đồng nghiệp hỗ trợ cô Thủy soạn bài, giúp cô vừa làm tốt công tác chuyên môn, vừa tham gia chống dịch. Học sinh biết cô đi tình nguyện cũng nhắn tin động viên cô giữ gìn sức khỏe.
Vốn hoạt động Đoàn sôi nổi nhiều năm, khi thấy tình hình dịch bệnh căng thẳng, cô Thủy mong muốn được chia sẻ vất vả với lực lượng tuyến đầu. Chồng đi làm xa nhà, ba con lại còn nhỏ nhưng cô vẫn quyết định nhờ mẹ trông giúp để tham gia tình nguyện. Những lúc nhớ con, cô chỉ dám đi qua nhà và nhìn chúng từ xa.
"Sau gần hai tháng, tôi học được một điều cần sống lạc quan, vui vẻ để tiếp thêm sức mạnh cho người khác. Tôi muốn cố gắng chống dịch để vợ chồng, con cái sớm được đoàn tụ", cô Thủy, ở xã Lê Minh Xuân, chia sẻ.
Cô giáo cho biết hiện lực lượng tình nguyện viên rất mỏng nên nếu các cô rút về sẽ thiếu người hỗ trợ. Cô vẫn muốn tiếp tục công việc này ngay cả khi đã vào dạy chính thức.
Bình Minh