Cô Phượng sinh năm 1991, dân tộc Mường, hiện là giáo viên tiếng Anh trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Chia sẻ cảm xúc khi trở thành đại biểu Quốc hội, cô Phượng nói: "Tôi cảm thấy vinh dự đi kèm với trách nhiệm lớn lao và phải cố gắng nhiều hơn nữa. Tôi nhận thấy mình không chỉ đại diện cho thầy cô giáo mà còn cho người dân tộc thiểu số, phụ nữ và thanh niên".
Là giáo viên Việt Nam đầu tiên vào top 10 giáo viên toàn cầu do Quỹ Varkey (Varkey Foundation) lựa chọn năm 2020, cô Phượng là người tiên phong cho mô hình lớp học xuyên biên giới, giúp học sinh học tiếng Anh tốt hơn. Ở cương vị mới, cô Phượng mong muốn tiếp tục lan tỏa mô hình này cùng các phương pháp giảng dạy tích cực 4.0 vào trường học trong và ngoài tỉnh Phú Thọ, như những gì cô đã và đang làm thời gian qua.
Cô giáo người Mường cho biết sẽ tiếp tục tìm tòi, lắng nghe để đưa ra những kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học môn tiếng Anh trong nhà trường nói riêng và nâng cao chất lượng giáo dục của Việt Nam nói chung.
"Tôi cũng quan tâm đến các vấn đề học sinh Việt Nam đang gặp phải như văn hóa đọc, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, an toàn khi sử dụng mạng", cô Phượng nói. Hiện, ngoài mô hình lớp học xuyên biên giới, giáo viên này đang thực hiện các dự án như "Thư viện hạnh phúc", "An toàn trên không gian mạng".
Đại diện cho tiếng nói của giáo viên, cô Phượng cũng quan tâm đến việc bảo đảm quyền lợi của nhà giáo. Cô cho biết sẽ ủng hộ các chính sách liên quan đến vấn đề quyền lợi của giáo viên, giúp thầy cô chuyên tâm với nghề.
Trên cương vị một người thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, cô Phượng đặc biệt quan tâm tới chính sách ưu tiên cho đồng bào bởi đời sống của một bộ phận vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. "Tôi sẽ tích cực tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri để trở thành cầu nối, đem tiếng nói của họ đến nghị trường", cô Phượng nói.
Tại cuộc họp báo chiều 10/6, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong cuộc bầu cử ngày 23/5, cử tri cả nước bầu đủ 500 đại biểu. Quá trình xem xét, Hội đồng Bầu cử quốc gia quyết định không xác nhận tư cách của một người trúng cử, vì không đảm bảo tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội.
Ngoài cô Hà Ánh Phượng, danh sách đại biểu Quốc hội khóa XV còn 24 người khác là cán bộ, nhà giáo đang công tác trong lĩnh vực giáo dục.