Ghé thăm Facebook cá nhân của cô gái, hẳn ai cũng bị 'hút hồn' bởi những bức ảnh chụp dưới mặt nước. Cô tạo dáng tự nhiên với tư thế của một nàng tiên cá, như thể thế giới dưới nước mới là nơi cô ấy thuộc về. Đó là Zen Le, sống tại TP HCM, một freediver (người lặn biển tự do).
Zen Le là một người yêu thiên nhiên, có hứng thú đặc biệt với biển. Cô chia sẻ, dù sống trong thành phố nhưng mỗi khi đi biển, cô thấy như mình được về nhà. Cô giữ thói quen tự tập bơi từ nhỏ và tập luyện thường xuyên để cải thiện kỹ năng bơi, vì thế rất tự tin khi ở dưới nước.
Chia sẻ với VnExpress về cơ duyên của mình với bộ môn lặn tự do, Zen Le cho biết: "Năm 2017 khi đi du lịch ở Philippines, mình được một người bản địa chỉ cho vài kỹ năng nín thở và kỹ thuật lặn xuống để ngắm san hô. Khi được tận mắt nhìn cận cảnh vẻ đẹp lung linh của san hô dưới biển thì mình bắt đầu cảm thấy yêu thích việc lặn nín hơi này. Về sau tự tìm hiểu thì mình mới biết đây là môn thể thao được gọi là "lặn tự do", khá nổi tiếng trên thế giới, đặc biệt là các nước có biển, nhưng còn mới mẻ ở Việt Nam vào thời điểm đó. Từ đó, mình tự tìm tòi các thông tin về tập luyện, kỹ thuật, các thiết bị lặn trên các diễn đàn, kết bạn với các freediver nước ngoài, được họ chia sẻ tài liệu kiến thức lặn, hướng dẫn về các kỹ thuật và kỹ năng an toàn, kinh nghiệm cá nhân".
Mô tả cảm giác lần đầu mang chân vịt và nhảy xuống biển, Zen Le dùng từ "Sướng". Ở Việt Nam, cứ vào mùa biển đẹp, cô gái lại đi lặn ở Côn Đảo, Phú Quốc, Phú Quý, Nha Trang... Đến hiện tại, cô ấn tượng nhất với Côn Đảo vì biển đẹp, còn giữ được nhiều vẻ hoang sơ. Ở nước ngoài, Zen Le mới có cơ hội lặn chủ yếu ở Phillipines, vùng Palawan.
Trong mắt cô gái, có vô vàn điều thú vị và bí ẩn bên dưới mặt nước. Đại dương là nơi cho đến nay con người vẫn chưa khám phá và hiểu được hết. "Bạn hãy thử một lần bước vào ngôi nhà của các loài động thực vật dưới nước. Khi có cơ hội được ngắm nhìn các loài cá, rùa, sứa, bạch tuộc thoải mái tự do bơi lội trước mặt, bạn sẽ cảm thấy thực sự mê đắm", Zen Le bày tỏ.
Trong hành trình lặn biển của mình, Zen Le nhận được không ít kỷ niệm khó quên. Đó là khi cô gái được lặn cùng nhiều "cụ rùa" bơi từ tốn, nên cô kịp bơi theo để chụp ảnh. Zen Le nhớ như in cảm giác phấn khích khi chứng kiến khoảnh khắc đàn cá heo nhảy lên khỏi mặt nước ở Boracay, Phillipines. Ở Việt Nam, Zen Le may mắn có cơ hội được lặn trong một hang động ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. "Bên dưới lòng sông ngầm trong hang có bãi cát trắng trải dài cùng nhiều tảng đá hình thù kỳ lạ, cảm giác rất kỳ bí, ấn tượng", cô chia sẻ.
Nói về quá trình thực hiện những bộ ảnh dưới nước của mình, Zen Le chia sẻ rằng không có một người cụ thể chuyên theo cô để chụp ảnh. "Tất cả những bạn lặn chung một ca lặn đều là thợ ảnh cho nhau. Hầu như tại mỗi vùng biển mình đều có một vài người bạn địa phương, hiểu địa hình, dòng chảy, độ sâu cùng với khả năng lặn rất tốt nên chụp cho mình được nhiều ảnh đẹp. Chụp ảnh dưới nước vừa khó vừa dễ. Khó là vì để có những dáng đẹp dưới nước, bạn phải thực sự thư giãn và thoải mái và phải biết cảm nhận cơ thể tốt. Dễ là vì bạn không cần phải trang điểm hay quần áo trang phục phức tạp để có một tấm ảnh đẹp. Ngoài ra, điều kiện thời tiết là cần thiết nhất. Để có một bức ảnh đẹp dưới nước bạn cần trời xanh không mây, nắng đẹp, nước trong, tầm nhìn xa tốt, không có dòng chảy hoặc dòng chảy nhẹ... Trước mỗi bức hình, mình và bạn lặn phải trao đổi trước về góc chụp, tư thế, địa điểm, và phải thử khá nhiều lần thì mới ăn ý", Zen Le chia sẻ bí quyết sau những bộ hình đẹp dưới nước.
Tất cả hành trình lặn biển của Zen Le đều có người đi kèm, vì nguyên tắc đầu tiên của bộ môn lặn tự do đó là "Never dive alone" (Không được đi lặn một mình). "Mình có khá nhiều bạn lặn trong cộng đồng, nhưng để chọn được một bạn lặn thực sự hiểu khả năng của mình cũng như có thể thực hiện các kỹ năng an toàn khi xảy ra sự cố thì chắc chỉ có duy nhất một bạn mà thôi. Bạn lặn của mình là anh Tuấn Nguyễn, có kỹ thuật và khả năng lặn tốt hơn mình, cho nên mình rất an tâm khi đi lặn chung", Zen Le tâm sự.
Chia sẻ cho những ai có nhu cầu muốn tìm hiểu về bộ môn lặn tự do, Zen Le cho biết: "Lặn tự do được xếp vào một trong những bộ môn thể thao nguy hiểm. Bạn cần phải được học kiến thức cũng như luyện tập kỹ thuật và các kỹ năng an toàn với chuyên gia trước khi thực hiện một ca lặn tự do thực sự. Bạn cần phải có khả năng bơi lội tốt hoặc thực sự tự tin khi ở dưới nước, vì lỡ có trục trặc sơ suất gì thì không chỉ nguy hiểm cho bản thân mà còn cho cả bạn lặn nữa. Nên mọi người yêu thích và muốn trải nghiệm lặn tự do thì hãy đăng ký các khoá học ở các trung tâm lặn trước".
Là một người yêu biển, Zen Le cũng kêu gọi du khách hãy bảo vệ biển. Cô nói: "Nếu có cơ hội được lặn, xin bạn đừng chạm tay vào bất cứ thứ gì dưới biển. Tất cả mọi thứ dưới nước chỉ nên nhìn mà thôi. Xin đừng hái san hô, nhặt trứng rùa, hay mua, bán bất kỳ sinh vật biển nào về làm kỉ niệm. Nếu bạn muốn lấy thứ gì đó dưới đáy biển mang về làm kỉ niệm, thì đó nên là túi nilong, ống hút, lưới ma, vỏ chai, bao bì... Xin mọi người trân trọng, bảo vệ và giữ gìn cái nôi sự sống của hành tinh chúng ta. Bởi vì, theo như một trích dẫn:
"Không có nước là không có sự sống".
Trung Nghĩa