Trở lại dạy học sau ba tháng học sinh nghỉ phòng chống Covid-19, được học trò thể hiện nỗi nhớ nhung, cô Đào Thị Vân Khánh, 37 tuổi, giáo viên Ngữ văn trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy (Hà Nội) lại nhớ kỷ niệm trong những năm đầu làm chủ nhiệm.
Cô Khánh là giáo viên trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã 16 năm, trong đó 15 năm làm chủ nhiệm. Cô thường được giao 2-3 lớp cùng lúc. Nếu giáo viên khác phụ trách một lớp suốt ba năm THPT thì cô Khánh thường chỉ chủ nhiệm lớp 11 và 12 theo kiểu "thay thế giữa chừng". Nhận lớp với nhiều học sinh diện "cần quan tâm đặc biệt", cô luôn nghĩ phải thật nghiêm khắc để đưa trò vào khuôn khổ.
Những năm đầu mới làm chủ nhiệm, cô nghiêm đến mức không học sinh nào dám tâm sự điều gì. Buổi sáng đến lớp, thấy học sinh không đeo cà vạt, bảng tên như quy định hay chưa lấy sách vở đặt trên bàn trong giờ truy bài, cô sẽ quát mắng. "Đó là những lỗi rất nhỏ nhưng tôi lại nổi nóng, cáu giận với các con đến mức mà chính tôi cũng không tưởng tượng được", cô Khánh kể.
Năm 2009, một học sinh đến nói với cô: "Lớp mình sợ cô kinh khủng, ám ảnh đến độ về nhà vẫn còn mơ thấy tiếng quát của cô". Cô Khánh sốc, hàng loạt câu hỏi hiện ra trong đầu: "Liệu mình nghiêm khắc có đúng không, tại sao lại làm học sinh ám ảnh đến cả trong mơ"?
Sau một đêm ngẫm nghĩ, cô Khánh hiểu cần thay đổi. Thay vì quát tháo học sinh mỗi khi quên cà vạt, cô nhắc nhở nhẹ nhàng hơn bằng câu "Trên cổ con thiếu gì nhỉ, xem lại nhé". Không còn nổi nóng khi các em không để sẵn sách vở trên bàn, cô phân tích hành động nhỏ đó sẽ giúp tiết kiệm thời gian ra sao khi vào tiết học. Cô Khánh đã biết kìm sự nóng giận để kể những câu chuyện, động viên học trò, thậm chí nhắn tin riêng với câu mở đầu "Con có điều gì cần nói với cô không" thay vì "Tại sao con lại như này, như kia"?
Cô Khánh vẫn nhớ một học sinh tên Trung sinh năm 1994 giờ vẫn giữ liên lạc. Một ngày đến lớp, Trung giận dữ đá bay bình nước lớn giữa lớp khiến đồ đạc tung tóe. Cô Khánh bước vào, dòng chữ "đời là chó" chình ình trên bảng, dưới lớp im phăng phắc, không ai dám nói gì. Cơn giận đang trào trong người nhưng cô kìm nén, lặng lẽ đi nhặt chiếc bình, lau dòng chữ trên bảng và bắt đầu bài học mới như bao ngày.
Hôm đó, học sinh học bài "Vợ nhặt". Câu chuyện khơi lên những suy tư về giá trị của hạnh phúc, sự sống của con người. "Trong nạn đói người ta nâng niu, bám víu lấy từng cơ hội để được sống, thậm chí chấp nhận cảnh nhặt một người đàn bà về neo vào nhau mà sống. Thế thì đời có là chó không các con", cô Khánh đặt câu hỏi. Học sinh giơ tay trả lời "Cuộc đời đâu thể là chó, đời là để sống, để yêu". Ở góc lớp, Trung gục mặt xuống bàn, không nhìn cô.
Hết tiết đó, cô Khánh lại gần chia sẻ với Trung. Được cô quan tâm, Trung kể chuyện chia tay với bạn gái, thất vọng trong tình yêu khiến em chán nản, mất niềm tin vào cuộc đời. Cô không nói gì nhiều mà đi sang lớp bạn gái của Trung. Qua cuộc nói chuyện, cô Khánh đã giúp cô gái quay lại với Trung, đồng thời bên cạnh giúp đỡ, động viên Trung học tập.
Sau câu chuyện với Trung, cô Khánh hoàn toàn tin cách mình làm để dung hòa sự nghiêm khắc là đúng đắn. Cô lấy 6 chữ "Nghiêm khắc - Yêu thương - Tôn trọng" làm quan điểm giáo dục đến tận bây giờ.
Dù thay đổi rất nhiều, cái tiếng "nghiêm khắc" vẫn gắn với cô Khánh. Đều đặn hàng năm, cô vẫn nhận chủ nhiệm các lớp giữa chừng và cầm những bộ hồ sơ "gai góc". Như năm nay, cô chủ nhiệm hai lớp 10D5 và 11D8. Trong đó, 11D8 là lớp tuyển bổ sung với 30 học sinh đến từ 30 trường trong năm học trước.
Như những năm trước, cô Khánh dành nhiều ngày nghiên cứu hồ sơ, học bạ của học sinh, liên hệ với phụ huynh và giáo viên ở trường cũ của các em để tìm hiểu tính cách và lực học. Khi tới nhận lớp, cô có thể đọc tên từng em khiến ai nấy đều nghĩ cô đã hiểu rất rõ về mình. Tiếp đó, cô sẽ phát phiếu điều tra cho học sinh và phụ huynh để tìm hiểu thêm thông tin, xem hai bên có hiểu nhau không.
"Tìm hiểu sẽ thấy có con hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Có con chỉ cố tỏ ra khi lớp có sự thay đổi cô chủ nhiệm nhằm thể hiện mình, thu hút sự chú ý của cô giáo", cô Khánh nói. Khi tìm ra nguyên nhân, cô sẽ có biện pháp giáo dục học sinh.
Như lớp 11D8 hiện tại có học sinh Mạnh Linh đến từ Hải Phòng. Em "có số má" ở trường cũ, từng bị giáo viên nói "không thể tiến bộ, không thể đạt học sinh tiên tiến". Năm nay, gia đình chuyển em lên Hà Nội ở cùng cậu và ông bà ngoại để học trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Biết em gặp nhiều vấn đề ở trường cũ, cô Khánh chủ động tâm sự, trở thành người bạn của em.
Bất ngờ vì sự thay đổi của con trai khi học với cô Khánh, chị Nguyễn Thị Thúy Mai kể, những ngày đầu, cô thường xuyên báo con mắc lỗi nhưng giờ thì không. "Ngày nào con cũng gọi điện kể chuyện học hành ở trường. Con cởi mở, tự giác học để đạt học sinh tiên tiến kỳ vừa rồi khiến cả nhà tôi như vỡ òa. Con hoàn toàn khác so với lúc ở trường cũ", chị Mai nói, cho biết con trai rất quý, coi cô Khánh như bạn thân, tâm sự đủ chuyện, cả những chuyện không thể chia sẻ với mẹ.
Không chỉ với Linh mà với bất kỳ học sinh nào, cô Khánh cũng cố gắng trở thành người bạn. Cô giữ thói quen quan sát lớp học một lượt ngay khi tới. Thấy bạn nào khác với ngày thường, cô chủ động hỏi nhưng không phải gọi tên trước lớp vì "gọi một học sinh sẽ khiến cả lớp đưa ánh nhìn như mắc tội". Thay vào đó, cô nhắn tin. Học sinh học xong sẽ chủ động tìm tới cô chia sẻ. Cô đưa lời khuyên nhưng luôn nhấn mạnh "quyết định cuối cùng thuộc về các con".
"Làm bạn với học sinh khiến tôi gần gũi, không còn là ác mộng của các con nữa. Giờ đây, mỗi khi có học sinh gọi là U Khánh hay chỉ nguyên tên, tôi đều cảm thấy hạnh phúc", cô Khánh nói.
Nhắc tới cô Khánh, thầy Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy, nghĩ ngay tới từ "thay đổi". "Bản thân cô là sự thay đổi để học hỏi, lắng nghe, thấu hiểu và yêu thương. Còn với học sinh, đó là những thay đổi từ nề nếp, tác phong đến ý thức học tập, lối sống. Những sự thay đổi tưởng như rất nhỏ nhưng là kết quả của nghệ thuật giáo dục tầm cao", thầy Nam nói.
Niềm vui của cô Khánh là nhớ về thành công của học trò. "Con Hồng Quân giờ làm giáo viên dạy lái ôtô. Con Trung giờ làm ở Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. Nhật Minh giờ đang vừa học Đại học Lao động - Xã hội, vừa quản lý nhà hàng, chuẩn bị học tiếp lên thạc sĩ", cô Khánh nói, mắt ánh lên sự tự hào.