Thạc sĩ giáo dục Lê Thị Ngọc Nhẫn chia sẻ câu chuyện bất bình đẳng trong giáo dục sau chuyên thăm hai ngôi trường tiểu học ở vùng cao Tây Nguyên.
Mùa hè vừa qua, tôi được đến thăm hai ngôi trường tiểu học ở vùng cao, một trường ở Lâm Đồng và một trường ở Đăk Nông. Tôi chưa từng tưởng tượng con đường đến trường phải vất vả đến thế, 15 km đường đất bùn lầy phải đi bằng xe máy cày hơn hai giờ.
Có những đoạn đường xe bị lún sâu, nghiêng hơn nửa thân xe như sắp lật. Có những đoạn đường xe chạy sát bờ vực thẳm. Đường đi khó như thế, nhưng thầy cô giáo vẫn đều đặn mỗi ngày đến trường để đem con chữ cho học sinh. Tôi thật sự khâm phục tinh thần vượt khó, yêu nghề, yêu trẻ của thầy, cô giáo ở đây.
Quý thầy, cô giáo bao nhiêu thì tôi càng thương học sinh ở đây bấy nhiêu. Nhìn những ánh mắt thơ ngây, chân đất, áo quần lấm lem của các em, tôi không khỏi ngạc nhiên và xúc động. Tôi ngạc nhiên vì chưa bao giờ nghĩ các em lại có cuộc sống khó khăn đến thế.
Tôi từng giảng dạy ở một trường nông thôn, học sinh của tôi cũng có nhiều em có hoàn cảnh khó khăn nhưng không đến mức không có dép mang, không có nón đội như ở đây. Càng thương các em, tôi càng thấy rõ sự bất bình đẳng trong giáo dục.
Đều là con người, được sinh ra và lớn lên trong cùng một đất nước nhưng cơ hội và điều kiện học tập của những em ở vùng cao thua kém hơn rất nhiều so với các em ở thành phố. Nhìn những ngôi trường khang trang, được trang bị những thiết bị dạy học hiện đại ở thành phố, tôi không khỏi xót xa cho các em vùng cao khi phải ngồi học trong những ngôi trường xuống cấp, thiếu thốn nhiều thứ.
Đường đến trường của các em vùng cao vô cùng gian nan, hiểm trở mà mỗi ngày có em phải đi bộ quãng đường đất dài hơn 5 km. Điều này trái ngược hẳn với hình ảnh học sinh ở thành phố được ba mẹ đưa đón bằng xe gắn máy hoặc bằng ôtô chạy êm ái trên những con đường tráng nhựa.
Nếu cho rằng đó là số phận vì chẳng may các em được sinh ra trong gia đình nghèo khó, sinh sống ở một nơi không phát triển về kinh tế nên giáo dục cũng chỉ được thế thôi thì biết bao giờ mới hết bất bình đẳng trong giáo dục.
Tôi vẫn tin nhiều người trong chúng ta không dửng dưng trước những bất bình đẳng đó. Điều đó thể hiện rõ qua những bức xúc gây bão trong xã hội gần đây khi mọi người nhìn thấy hình ảnh học sinh miền núi ngồi xổm trong sân trường ẩm ướt để dự lễ khai giảng năm học mới.
Một người bạn của tôi là giáo viên dạy trường phổ thông ở Singapore cho biết, thay vì tập trung đầu tư cho các trường trọng điểm ở trung tâm thành phố như trước đây, Bộ Giáo dục Singapore thay đổi chính sách và có chiến lược đầu tư phát triển cho trường vùng ngoại ô còn hạn chế về chất lượng giáo dục và điều kiện dạy học để giảm bớt khoảng cách giữa các trường. Điển hình là chính sách điều động giáo viên giỏi đến dạy các trường có chất lượng giáo dục còn hạn chế.
Anh quốc là quốc gia phát triển nhưng điều đó không có nghĩa là không có bất bình đẳng trong giáo dục. Bài viết “Anh nỗ lực xóa bỏ bất bình đẳng trong giáo dục” cho thấy vẫn xảy ra tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục ở nước này. Ông Alan Milburn, Chủ tịch Ủy ban vận động xã hội Anh cho rằng: “Sự thật là trong vài thập niên, người Anh đã trở nên giàu có, nhưng chúng ta vẫn đang phải đấu tranh cho sự công bằng”.
Ông Brett Wigdortz, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Tổ chức Teach First, cho biết bất bình đẳng trong giáo dục là sự bất công đang cháy âm ỉ, đe dọa nền tảng và kết cấu của một xã hội công bằng. Thực tế là một đứa trẻ từ gia đình nghèo sẽ có ít khả năng để thành công ở trường học và cuộc sống của trẻ hoàn toàn trái ngược với một đứa trẻ bình thường.
Như vậy, chúng ta thấy bất bình đẳng trong giáo dục vẫn tồn tại ở nhiều nơi, trong đó có Việt Nam. Để xóa dần bất bình đẳng trong giáo dục, rất cần những chính sách hỗ trợ thiết thực cho trường vùng sâu, vùng cao; tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường; có sự đầu tư từ các cấp để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Chúng ta cần những chiến lược xóa dần khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền, tạo điều kiện cho tổ chức hoạt động vì cộng đồng đóng góp cho giáo dục và đặc biệt thực thi có hiệu quả công ước về quyền trẻ em. Điều đó không dễ dàng nhưng có bắt tay làm và kêu gọi mọi người cùng làm thì sẽ có ngày mọi trẻ em bất kể xuất thân, giới tính hay nơi sinh sống đều được bình đẳng trong giáo dục.
ThS. Lê Thị Ngọc Nhẫn