Ông Alan Milburn, Chủ tịch Ủy ban vận động xã hội Anh, cho biết việc hệ thống giáo dục tại Anh bỏ sót việc đào tạo những kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động hiện đại là không thể chấp nhận được. Ông kêu gọi mục tiêu mới đến năm 2020 có ít nhất một nửa số trẻ em từ các gia đình nghèo đạt được năm chứng chỉ trong chương trình trung học cơ sở (GCSEs).
BBC News ngày 26/7 đưa tin, phát biểu tại Hội nghị Teach First Impact vừa qua, ông Milburn cũng đề nghị trích một khoản thu từ học phí cho đào tạo và hỗ trợ nhà ở cho giáo viên đang giảng dạy tại các trường thiếu thốn nhất ở vùng khó khăn. 20% các trường có thành tích kém nhất cần được hỗ trợ chuyên sâu hoặc có sự thay đổi trong bộ máy lãnh đạo nếu trường tiếp tục yếu kém. Cần đưa ra một phương pháp đo hiệu quả học tập mới vào năm 2018 để xác định mong muốn của học sinh là tiếp tục học tiếp hay đi làm.
Ông Milburn cho biết với tiến độ như hiện nay, Anh sẽ phải mất ít nhất 30 năm để khoảng cách tri thức giữa học sinh giàu và nghèo giảm một nửa. Và nó sẽ mất hơn 50 năm để xóa bỏ khoảng cách trong việc tiếp cận đại học.
“Sự thật là trong vài thập niên, người Anh đã trở nên giàu có, nhưng chúng ta vẫn đang phải đấu tranh cho sự công bằng. Sự ra đời của quỹ hỗ trợ học sinh và các cải cách khác là những bước đi tích cực đúng hướng. Tuy nhiên, những nỗ lực để thu hẹp khoảng cách tri thức trong trường học không được ưu tiên bằng sự tập trung vào việc nâng cao chất lượng các trường đang thực hiện trong những thập kỷ gần đây. Các trường đáng nhẽ phải thực hiện cả hai", ông nói.
Chủ tịch Ủy ban vận động xã hội Anh nhấn mạnh không thể chịu đựng được một nền giáo dục sản xuất ra thế hệ trẻ thiếu các kỹ năng cạnh tranh trong thị trường lao động hiện đại. Việc đạt được tiến bộ trong việc cải thiện chuyển dịch xã hội là không thể cho đến khi khoảng cách tri thức giữa trẻ em giàu và nghèo được xóa bỏ. Sự thành công tương lai trong một nền kinh tế cạnh tranh toàn cầu dựa trên việc sử dụng toàn bộ nhân tài của đất nước chứ không phải chỉ một số.
Ông Brett Wigdortz, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Teach First, cho biết, bất bình đẳng giáo dục là sự bất công đang cháy âm ỉ mà không được chú ý, nhưng nó đang đe dọa nền tảng và kết cấu của một xã hội công bằng. Thực tế là một đứa trẻ từ gia đình nghèo sẽ có ít khả năng để thành công ở trường học và cuộc sống của trẻ hoàn toàn trái ngược với một đứa trẻ bình thường.
"Sau khi Anh rời Liên minh châu Âu, một điều rõ ràng là chúng ta cần đầu tư vào giáo dục, cộng đồng và những người trẻ tuổi đang bị bỏ lại đằng sau nếu muốn xây dựng một nước Anh tốt đẹp hơn”, ông nói.
Một phát ngôn viên của Bộ Giáo dục cho biết Chính phủ đang tập trung vào việc làm cho Anh trở thành một quốc gia tuyệt vời với mọi người. "Chúng ta xác định rằng mọi đứa trẻ, bất kề xuất thân, giới tính hay khả năng, đều có cơ hội như nhau để phát huy hết tiềm năng. Quỹ hỗ trợ học sinh hiện nay có 2,5 tỷ bảng một năm và sẽ được sử dụng để cải thiện giáo dục cho các trẻ em từ gia đình nghèo”, phát ngôn viên nói.
Quỳnh Linh