Trưa 22/4, Trúc Phương tìm đến căn gác trọ xập xệ, nóng hầm hập của ông Đinh Ngọc Nga gần cầu Kinh Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Người đàn ông 75 tuổi nhỏ thó, nhấc từng bước nặng nề dẫn cô gái lên gác bằng chiếc cầu thang ọp ẹp có thể sập bất cứ lúc nào. Căn phòng chỉ có tấm áo mưa trải dưới nền và chiếc võng để ngủ. Ông Nga cầm tấm bảng nhỏ đề hai chữ "Vé số" quạt phe phẩy cho đỡ nóng. Đây cũng là "bảng hiệu kinh doanh", đặt cạnh chỗ ngồi của ông trên cầu mỗi đêm.
"Trước đây hai ngày, có một người lạ gửi tin nhắn cho mình, kèm hình ảnh ông Nga co rúm trong chiếc áo mưa, đang ngồi bệt trên cầu, tay cầm xấp vé số chìa ra mời khách đi đường", Trúc Phương giải thích mục đích của chuyến thăm phòng trọ của ông.
Nhìn hình ảnh đó, cô gái 27 tuổi nghĩ, ở tuổi như ông mà còn phải kiếm sống chắc là không cậy được ai nữa, nếu giúp được, quãng đời còn lại của ông sẽ đỡ vất vả hơn. Vậy là Phương quyết định tìm cách. Chiều hôm đó, cô đăng tin lên trang cá nhân có hơn 130 nghìn người theo dõi của mình, kêu gọi cộng đồng giúp đỡ. Lập tức, những khoản tiền từ khắp nơi dồn dập đổ về, vài tiếng sau đã lên đến hơn 100 triệu đồng. Thấy đã đủ, cô thông báo đóng tài khoản và sẽ đến trao cho ông vào hôm sau.
Nguyễn Đỗ Trúc Phương tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh một trường đại học ở Australia. Năm 2019, cô trở về Việt Nam, quản lý một khách sạn của gia đình ở quận 1. Khá bận bịu với công việc kinh doanh nhưng cô gái này thường để ý và âm thầm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, đôi khi kêu gọi bạn bè, người thân chung tay. "Tuy nhiên, mình chỉ kêu gọi được mỗi lần vài triệu. Đôi lúc thấy không đủ, mình thường tự bỏ tiền túi", Phương nói.
Tháng 8 năm ngoái, Trúc Phương bỗng nhiên trở thành người nổi tiếng bất đắc dĩ sau lần đăng bài kêu gọi giúp đỡ người đàn ông chạy xe ôm thường tìm đến tủ bánh mì từ thiện. Sau một đêm, lần đầu tiên cô nhận được số tiền 38 triệu đồng từ hàng chục người không quen biết. Hôm sau, Phương tìm gặp người đàn ông, đưa đi mua chiếc xe máy mới để mưu sinh thuận tiện hơn. Việc làm của cô nhanh chóng được cộng đồng mạng chia sẻ. Từ đó đến nay, mỗi ngày cô gái đều nhận được hàng chục tin nhắn từ người lạ, nhờ giúp đỡ một hoàn cảnh nào đó. Với cách này, gần một năm qua, những người xa lạ đã chuyển cho Phương hơn 4 tỷ đồng để giúp những người có hoàn cảnh khó khăn.
Chị Mai Trần, 38 tuổi, một trong những mạnh thường quân thường gửi tiền cho Trúc Phương chia sẻ: "Em ấy nhận quyên góp đêm nay thì sáng mai đã gặp người ta ngay để hỗ trợ. Nhìn Phương làm và cập nhật trên trang cá nhân, mình biết được tiền của mình đã sử dụng như thế nào, thấy người được giúp họ vui mừng ra sao nên mọi người rất tin tưởng".
Cứ mỗi lần quyết định giúp trường hợp nào, Phương đều dành thời gian đến tận chỗ ở của họ để hỏi chuyện, tìm hiểu gia cảnh. Tùy từng hoàn cảnh, có trường hợp cô chỉ "xin" 20 triệu, nhưng cũng có những lần số tiền các mạnh thường quân chuyển đến hơn 200 triệu đồng.
Cô gái không trao toàn bộ số tiền quyên góp được mà thường hỏi họ có ước mơ gì. Có người ước chiếc xe máy để mưu sinh, có người ước chiếc ghế tựa nhưng cũng có người chỉ ước mỗi đôi dép mới. Sau đó, cô cùng họ đi mua những món đồ mơ ước rồi mới trao số tiền còn lại hoặc lập sổ tiết kiệm.
Phương kể, gần một năm qua giúp đỡ hàng chục người nhưng cô ấn tượng nhất câu chuyện về ông Vũ Văn Sơn, ông bán vé số câm điếc từ chối nhận 70 triệu từ cộng đồng. "Bác Sơn cầm tiền giơ ra đường ngụ ý nói mình để dành giúp những người khó khăn hơn. Mình thật sự nể phục bác. Mình nhận ra trong cuộc sống, đôi khi phải biết đủ, lòng sẽ thấy an nhiên", Phương tâm sự.
Chưa từng hối tiếc khi làm công việc không công này nhưng khi thành người nổi tiếng, không ít lần cô gặp phải những rắc rối. Có những lúc không kịp trả lời tin nhắn, người báo tin mắng mỏ và trách cô "thấy chết mà không cứu". Cũng có người nhắn tin đến công kích việc làm tốt của Phương.
Mỗi lần gặp chuyện như vậy, Phương thường tâm sự với mẹ. Có khoảng gần một tháng, cô quyết dừng lại công việc này vì không muốn chịu thêm những sức ép và điều tiếng, nhưng mẹ khuyên: "Đừng vì một vài người nói lời không hay mà dừng lại, như vậy thì không thể giúp được thêm nhiều người khác đang cần".
"Nếu mọi người xem việc thiện nguyện là trách nhiệm mà Phương phải làm thì không phải. Mình làm việc này bằng trái tim và làm trong khả năng, trong thời gian có thể", Phương giải thích với mọi người.
Cũng nhờ cẩn trọng tìm hiểu kỹ hoàn cảnh của những người định giúp mà có lần Phương kịp dừng trao gần 100 triệu đồng cho đường dây chăn dắt người ăn xin. "Lần đó, mình định đến trao cho một bà cụ ôm đứa trẻ ngồi ăn xin thì có người nhắn tin cảnh báo có thể đây là chiêu trò chăn dắt, dùng trẻ em để đánh vào tâm lý thương người", Phương kể lại. Cô nhờ một người bạn để ý quan sát bà cụ này nhiều lần, phát hiện có người khác thường đến chở những hộp sữa, phần cơm được cho đi nơi khác "tẩu tán" bớt. "Vì thế, mình quyết định để dành số tiền đó cho những hoàn cảnh đáng tin cậy hơn", cô gái nói.
"Ở tuổi mình, nhiều bạn bè đang tập trung gây dựng sự nghiệp. Mình may mắn hơn vì đã có khách sạn của gia đình nên sẽ tiếp tục việc này nếu vẫn được mọi người tin tưởng", Phương khẳng định.
Nửa tháng sau khi trao số tiền ủng hộ của cộng đồng, một buổi trưa, Phương bất ngờ ghé thăm căn trọ mới của ông Đinh Ngọc Nga. Ông cụ đang nằm ngủ ngon lành trên chiếc nệm mới, bên cạnh là chiếc ghế nhỏ với những vật dụng được sắp xếp ngay ngắn và đôi vợt bóng bàn là kỷ vật của ông. Phương thấy lòng nhẹ nhõm.
"Cám ơn cháu Phương và cộng đồng đã giúp đỡ. Bữa nay tôi chạy chiếc xe máy mới đi đến điểm bán vé số. Đêm về thì ngủ ngon mà không sợ nóng, trời mưa cũng không sợ tạt nữa rồi", ông Nga nói, miệng cười móm mém.
Diệp Phan