"Số tiền tuy lớn, nhiều ý nghĩa nhưng tôi nhận một ít là hạnh phúc lắm rồi. Phần còn lại tôi chừa cho người có hoàn cảnh khó khăn hơn", người đàn ông quê Tân An, Long An giải thích chuyện từ chối số tiền lớn do cộng đồng quyên góp để ủng hộ ông, tối 11/4.
Món quà này xuất phát từ việc cách đó một tuần, chị Nguyễn Đỗ Trúc Phương, 27 tuổi, ở quận 1 tình cờ thấy tấm hình chụp ông Sơn cạnh chiếc xe đạp, đang bán vé số và tấm bảng ghi dòng chữ: "Tôi bị câm điếc. Xin cô bác làm ơn giúp đỡ. Cám ơn nhiều".
Cô gái đã kêu gọi cộng đồng quyên góp giúp đỡ ông Sơn trên trang cá nhân. Sau một đêm, Trúc Phương nhận được 75 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Sơn hay di chuyển điểm bán, nên nhiều lần đi tìm ông để trao tiền chị Phương đều không gặp. Với sự giúp đỡ của một người bạn, tối ngày 11/4, chị Phương tìm được ông ở ngã tư Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng, quận 3.
"Lúc đầu, mình nghĩ sẽ hỏi thêm hoàn cảnh của ông, hôm sau dẫn ông đi làm sổ tiết kiệm", Phương chia sẻ. Khi chị Phương ngỏ ý tặng ông tất cả số tiền quyên góp được, ông Sơn đã từ chối. Bất ngờ trước phản ứng này, Phương cố năn nỉ nhưng ông vẫn không chịu nhận. Cuối cùng, cô gái rút 20 triệu đồng, bỏ vào chiếc hộp nhỏ tặng ông nhưng ông chỉ nhận 5 triệu. Người đàn ông câm điếc đưa Phương số tiền còn lại và chỉ ra dòng xe cộ đang qua lại trên đường với ngụ ý: "Hãy để phần còn lại giúp đỡ những người khó khăn khác".
"Mình từng kêu gọi giúp đỡ cho hàng chục hoàn cảnh nhưng đây là lần đầu tiên có người từ chối một số tiền lớn như vậy. Khi ông chỉ nhận 5 triệu, mình ngỏ ý tặng ông chiếc xe đạp mới nhưng ông cũng không chịu", Trúc Phương chia sẻ.
Nói chuyện với VnExpress, ông Sơn cho biết, mình lên Sài Gòn bán vé số được hai năm nay. Ông được chủ nhà trọ ở quận 1 cho ở miễn phí, chỉ góp thêm tiền điện nước. Khi mới lên Sài Gòn, người đàn ông đi bộ nhặt ve chai, sau đó chuyển sang bán vé số. Vì không có nhiều vốn nên mỗi ngày ông chỉ trả trước cho chủ đại lý một nửa tiền vé số, cuối ngày về mới trả nốt.
"Lúc đầu, vì treo bảng vé số trên xe không cẩn thận, tôi bị một thanh niên chạy xe máy giật mất. Người đi đường hô hoán, đuổi theo nên anh ta quăng trả lại. Rút kinh nghiệm, tôi lấy dây cột chặt vào ghi - đông xe", người đàn ông viết ra giấy, kể.
Mỗi ngày, ông đạp xe đi bán nhiều nơi quanh quận 1 từ lúc 6 giờ sáng đến 12 giờ thì về nghỉ. 5 giờ chiều, ông bắt đầu bán tiếp ở đường Trần Hưng Đạo đến 19 giờ thì đạp đến đường Hai Bà Trưng dựng xe trên vỉa hè. 21 giờ, ông di chuyển ra ngã tư Hàng Xanh bán cho đến khuya mới về nghỉ.
Một năm nay, mỗi ngày ông bán được khoảng 300 tờ. Ngoài sắm thêm chiếc xe đạp cũ để đạp đi bán, ông cũng trả đủ tiền cho chủ đại lý mà không thiếu nợ như trước.
"Ông Sơn đứng bán ở khu vực vỉa hè đường Hai Bà Trưng này khoảng 2 tháng nay. Thấy ông ấy câm điếc, cũng hiền lành nên mấy chủ cửa hàng để ông ấy dựng xe đạp đứng bán. Ông ấy luôn đưa vé số, nhận tiền của khách bằng hai tay rồi giật đầu lia lịa cám ơn", ông Nguyễn Nam, bảo vệ một cửa hàng thời trang gần ngã tư cho biết.
Ông Sơn chia sẻ, từ ngày lên Sài Gòn bán vé số, ông cảm thấy vui hơn lúc ở quê làm rẫy. Với thu nhập hằng ngày, người đàn ông đủ trang trải chi phí sinh hoạt cho mình. Vài tháng, ông mới về quê thăm hai con gái và 4 đứa cháu ngoại.
"Với tôi giờ chỉ cần cuộc sống đủ là được, khi thấy được đủ thì thấy lòng an nhiên hơn. Chứ mong ước gì thêm thì tôi ít dám nghĩ", ông Sơn chia sẻ.
Diệp Phan