Tòa án quận Nagoya hồi tháng 1 kết án một năm 6 tháng tù với nữ công dân Việt Nam sử dụng thẻ cư trú giả, nhưng hoãn thi hành án ba năm. Vụ án cho thấy những khó khăn mà một số công dân nước ngoài tại Nhật Bản phải đối mặt, khi mất việc làm giữa đại dịch nhưng không thể hồi hương.
"Tôi rất lo lắng. Tôi cảm thấy cô đơn vô cùng, chỉ muốn sớm quay lại Việt Nam", tờ Japan Times ngày 16/8 dẫn lời cô gái nói bằng thứ tiếng Nhật đứt quãng trong cuộc phỏng vấn trước khi tòa ra phán quyết.
Theo cáo trạng của công tố viên và lời khai của bị cáo trong phiên tòa, cô tới Nhật Bản hồi tháng 6/2017 với tư cách là sinh viên, cùng thị thực lưu trú tương ứng. Sau khi tốt nghiệp trường Nhật ngữ ở thành phố Inyama, tỉnh Aichi, cô tiếp tục theo học một trường dạy nghề tại thành phố Gifu.
Nữ công dân Việt kiếm sống bằng cách làm việc bán thời gian cho một nhà máy cơm bento. Để sang Nhật đi học, cô đã phải vay mượn gần 10.900 USD ở Việt Nam và còn hơn một nửa chưa trả xong. Tháng 3/2020, khi Covid-19 bắt đầu lan khắp toàn cầu, cô bỏ học, quyết định quay về Việt Nam nhưng lại không tìm được chuyến bay.
Cô xin được thị thực du lịch ngắn hạn để tránh cư trú tại Nhật trái phép, nhưng người có thị thực loại này không được phép đi làm, nên cô mất nguồn thu nhập và phải ở nhờ nhà bạn.
Tháng 7 năm ngoái, khi Covid-19 không có dấu hiệu lắng xuống, cô nghe theo lời người quen và mua qua môi giới trên Facebook với giá 45 USD một thẻ cư trú cùng căn cước giả, cho thấy cô đang là sinh viên trường dạy nghề.
Cô dùng căn cước giả này tới phỏng vấn xin việc tại một công ty vận tải biển lớn ở thành phố Seki, tỉnh Gifu. Khoảng ba tháng sau, 20 công dân nước ngoài làm việc tại công ty, bao gồm nữ công dân Việt, bị phát hiện sử dụng thẻ cư trú có cùng một mã định danh. Cô bị Sở cảnh sát tỉnh Aichi bắt vì vi phạm luật nhập cư và sử dụng giấy tờ tùy thân giả.
"Tôi rất hối hận. Tôi sẽ không bao giờ làm điều sai trái nữa", cô nói bằng tiếng Việt trong phiên điều trần ở tòa án, thừa nhận cáo buộc.
Vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để sau khi tòa ra phán quyết ngày 19/1. Sau phiên xử, cô được giao cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và được tại ngoại. Tuy nhiên, cô không có cách nào để quay về nước, trong khi theo luật, những người được tại ngoại không được phép đi làm.
Ba tháng sau khi bị bắt, người phụ nữ Việt một lần nữa mắc kẹt trong tình huống không thể hồi hương cũng không thể kiếm sống ở Nhật Bản. Một đồng hương cho biết cô đang ở nhờ nhà bạn tại Nagoya. Luật sư của cô đã chỉ trích các điều tra viên tại phiên tòa hồi tháng 1.
"Việc giam một công dân nước ngoài không thể hồi hương do Covid-19 là cách đối xử đáng xấu hổ từ góc độ nhân đạo", luật sư nói.
Chính phủ Nhật Bản gần đây tăng cường tiếp nhận những người tới từ các quốc gia châu Á với tư cách là sinh viên và thực tập sinh kỹ thuật nhằm đối phó tình trạng thiếu lao động. Chính phủ nước này đã thực hiện một số biện pháp hỗ trợ công dân nước ngoài không thể hồi hương do đại dịch, nhưng nhiều biện pháp không phù hợp.
Cục Nhập cư ban đầu cấp thị thực du lịch tạm thời cho sinh viên nước ngoài đã tốt nghiệp tại Nhật Bản nhưng không thể về nước do Covid-19, nhưng lại không cho phép họ làm việc tại Nhật. Tháng 5 năm ngoái, Cục Nhập cư cấp lại thị thực mới, cho phép những người này làm một số công việc nhất định.
Tuy nhiên, những người đã bỏ học giống cô gái người Việt trên không được cấp thị thực như vậy cho tới ngày 19/10 năm ngoái. Theo luật sư, cô đã cố nộp đơn xin thị thực này nhưng bị bắt trước khi đơn được duyệt. Trong khi đó, do các lệnh cấm đi lại và nhiều chuyến bay bị hủy vì Covid-19, việc trục xuất người cư trú trái phép khó khăn hơn.
Để tránh cho các trung tâm giam giữ bị quá tải, Cục Nhập cư đã chủ động đưa những người này vào diện được tự do tạm thời, nhưng lại không cho họ làm việc.
"Nếu có biện pháp cải thiện tình hình, tôi tin rằng số vụ người nước ngoài lâm vào bước đường cùng phải thực hiện các hành vi trái phép sẽ giảm xuống", luật sư của cô gái Việt nói.
Hồng Hạnh (Theo Japan Times)