Trong kỳ thi được mệnh danh "khắc nghiệt nhất" của sinh viên trường Y, hồi giữa tháng 8, Trần Thị Minh Anh đạt 26,75/30 điểm. Cô gái 24 tuổi, người Hải Phòng, đứng đầu trong hơn 800 thí sinh đến từ 15 trường Y trong cả nước.
Chiều 9/9, ở buổi đăng ký chuyên ngành, cô được xướng tên đầu tiên. Tân bác sĩ nội trú dõng dạc nói: "Trần Thị Minh Anh, số thứ tự 1, chuyên ngành Sản phụ khoa, trường Đại học Y Hà Nội". Phía dưới, thầy cô và bạn bè vỗ tay rất lớn. Đại diện bộ môn Phụ sản đến trao hoa và thư chúc mừng nữ sinh.
"Mình đã rất vui sướng và cảm thấy may mắn khi trở thành thủ khoa kỳ thi bác sĩ nội trú", Minh Anh chia sẻ. "Trước đó, mình không dám nghĩ bởi kỳ thi rất khắc nghiệt, các bạn xung quanh rất giỏi".
Minh Anh là cựu học sinh chuyên Sinh của trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng. Cách đây 6 năm, nữ sinh là chủ nhân tấm huy chương vàng kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế.
Ấp ủ ước mơ trở thành bác sĩ từ bé, Minh Anh quyết định đăng ký xét tuyển thẳng vào ngành Y khoa, Đại học Y Hà Nội. Nhờ nền tảng Sinh học từ cấp THPT, nữ sinh cho hay hầu như không gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận kiến thức lý thuyết cơ sở ngành. Đến năm thứ tư, khi đi học lâm sàng ở viện môn Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Minh Anh dành nhiều tình cảm cho bộ môn Sản khoa.
"Nhìn những người mẹ có nhiều bệnh lý, bị sinh non nhưng sau đó cả mẹ và con đều khỏe mạnh, mình rất hạnh phúc. Mình thích cảm giác ấy và đặt mục tiêu trở thành bác sĩ nội trú chuyên ngành này", nữ sinh chia sẻ.
Sản phụ khoa là chuyên ngành "hot" trong vài năm gần đây, bởi được nhiều bác sĩ nội trú lựa chọn. Theo quy định, thứ hạng điểm số sẽ quyết định cơ hội chọn chuyên ngành ưa thích của thí sinh.
Năm nay, chỉ tiêu bác sĩ nội trú Sản phụ khoa tại Đại học Y Hà Nội là 12. Thí sinh đỗ kỳ thi nhưng điểm số thấp khó được chọn. Vì vậy, Minh Anh hạ quyết tâm phải đứng trong top đầu.
Kỳ thi gồm ba môn: chuyên ngành 1 (Nội và Nhi), chuyên ngành 2 (Ngoại và Sản) và môn cơ sở (Giải phẫu, Hóa sinh, Sinh lý, Y sinh học di truyền). Mỗi môn có khoảng 120 câu hỏi trắc nghiệm trong 90 phút, bao phủ hầu hết kiến thức 6 năm đại học.
Tập trung ôn từ năm thứ 5, Minh Anh tự lên kế hoạch, phân bổ thời gian để vừa ôn lại lý thuyết, vừa luyện đề nhằm bù đắp phần kiến thức chưa nắm vững.
"Nhiều kiến thức về Giải phẫu, Sinh lý, Hóa sinh học từ năm nhất, năm hai, rất khó để nhớ hết khi đã học đến năm thứ 6. Vì vậy, mình phải ôn đi ôn lại nhiều lần", Minh Anh nói.
Trong hai tuần cuối cùng, Minh Anh học cả 3 môn cùng một ngày. Nữ sinh nhận định việc này giúp bản thân rèn luyện sự bình tĩnh, không bị lúng túng khi câu hỏi thi liên tục được chuyển từ môn này sang môn khác.
Trước đó, nữ sinh là một trong 97 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của Đại học Y Hà Nội năm nay, với điểm tổng kết 8,37/10.
Chia sẻ với các tân bác sĩ nội trú, GS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, nhấn mạnh việc đạt kết quả cao ở kỳ thi thể hiện thành quả nhiều năm học tập. Tuy nhiên, không phải bác sĩ nội trú nào cũng thành công.
"Chuyên ngành nào cũng có sự vất vả. Tôi mong các em đừng coi thường, tiếp tục cố gắng hết sức và học tập nghiêm túc trong ba năm tới. Các em phải lăn lộn, dấn thân để có đam mê với chuyên ngành đã lựa chọn. Có đam mê thì mới có thể thành công", ông Tú nói.
Minh Anh ấn tượng với lời nhắc nhở của thầy hiệu trưởng. Nhìn lại 6 năm đại học, nữ sinh có chút nuối tiếc khi chưa tham gia nghiên cứu khoa học nhiều. Cô đặt mục tiêu bổ sung kỹ năng này trong ba năm học tới, hoàn thành tốt chương trình và tìm cơ hội tu nghiệp ở nước ngoài, trước khi trở về nước làm việc.
"Nếu có cơ hội, em muốn trở thành bác sĩ kiêm giảng viên", Minh Anh nói.