Malhotra, sinh viên năm cuối Đại học Wisconsin, Madison, không rõ chính xác nguồn lây nhiễm lần đầu. Khi đó, cô đang du học ở London, trở về Mỹ trước khi lệnh cấm bay được áp dụng. Ngày 13/3, khi hạ cánh ở Long Island, New York, cô đau ngực và cơn đau trở nên nặng nề suốt đêm đó.
Cô kiểm tra tại Bệnh viện Syosset, kết quả chụp CT phổi cho thấy tình trạng nhiễm trùng giống với bệnh Covid-19. Malhotra được lấy mẫu xét nghiệm nCoV. Sau đó, cô nghe thấy tiếng thì thầm từ các nhân viên y tế bởi họ lo lắng cô là trường hợp mắc nCoV đầu tiên ở bệnh viện.
13 ngày tiếp theo, cô nhận được kết quả dương tính với nCoV. Đây không phải lần đầu Malhotra trải qua cuộc chiến với bệnh tật. Hồi tháng 7/2019, cô được chẩn đoán ung thư tuyến giáp, phẫu thuật cắt bỏ u tuyến giáp ngay khi phát hiện.
Sau xạ trị, cô đến London với suy nghĩ cuối cùng cũng có chút tự do và vui vẻ sau một năm khó khăn. Không ngờ, điều đầu tiên khi trở về Mỹ là phải nhập bệnh viện. Cô bất an khi biết mình mắc Covid-19.
Vào thời điểm nhận kết quả xét nghiệm, cô đã mắc Covid-19 gần hai tuần nhưng không hề có triệu chứng, cho đến khi có cơn đau ngực. Ngày 16/3, phát hiện các hạch sưng lên gấp đôi bình thường, bác sĩ cho cô thuốc kháng sinh Z-Pak. Ba hôm sau, sức khỏe Malhotra tốt hơn và không còn triệu chứng.
Tuy nhiên, cô gặp khó khăn mỗi khi chạy bộ. Malhotra kể:"Qua thiết bị đồng hồ, tôi bất ngờ khi thấy có thời điểm nhịp tim tăng vọt lên 200 nhịp một phút".
Tháng 5, cô đến bác sĩ tim mạch khám, phát hiện tổn thương phổi bởi Covid-19 vẫn còn từ tháng 3, dù cô đã âm tính với virus.
Ngày 12/8, cô cảm thấy sức khỏe tốt hơn, xét nghiệm kháng thể chuẩn bị cho kỳ học ở Madison vào cuối tháng. "Nhân viên tại phòng xét nghiệm nói rằng nếu kết quả từ 1,5 trở lên cho thấy sự xuất hiện của kháng thể. Kết quả của tôi lên đến 2,5 nên tôi an tâm quay lại trường học", Malhotra kể.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, kháng thể là các protein giúp chống lại lây nhiễm, nhưng hiện vẫn chưa rõ khả năng bảo vệ và thời gian tồn tại đối với bệnh Covid-19. Florian Krammer, nhà miễn dịch học tại Trường Y Icahn tại Mount Sinai cho biết: "Có một số người không có đáp ứng miễn dịch tốt với một số mầm bệnh, chúng tôi chưa rõ nguyên nhân".
Vào tháng 9, Covid-19 tấn công Madison, Malhotra và bạn bè phải ở nhà. Hai tháng liên tiếp, cô cẩn thận xét nghiệm nCoV đến 4 lần, kết quả đều âm tính.
Tháng 11, xung quanh trường liên tiếp ghi nhận ca nhiễm. Ngày 8/11, một người bạn đến phòng của Malhotra ăn tối. Ngày hôm sau, bạn cùng phòng cô dương tính nCoV. Hai ngày sau đó, Malhotra xuất hiện triệu chứng cảm lạnh nặng. Ban đầu cô nghĩ mình bị viêm xoang, nhưng xét nghiệm ngày 13/11 cho thấy cô mắc Covid-19 lần hai.
"Tôi chạy vào phòng, khóa cửa và gọi cho mẹ. Bác sĩ cũng ngạc nhiên khi biết tin tôi dương tính lần hai và gọi điện hỏi thăm", Malhotra kể.
Đợt nhiễm trùng này, Malhotra đau ngực nhẹ, mệt mỏi và đau đầu dữ dội hơn, mất khứu giác và vị giác. "Tôi cảm thấy còn nhiều điều về loại virus này mà con người chưa biết hết. Tôi đã nhiễm hai lần và các triệu chứng thật đáng sợ. Liệu có bộ phận cơ thể nào của tôi bị ảnh hưởng lâu dài hay không?", Malhotra nói.
Cô nhận thấy mình cần cách ly và hạn chế ra ngoài, cho đến khi có vaccine và có cách điều trị chính thức. Malhotra cảnh báo mọi người nên bảo vệ bản thân và cho người khác trước những điều bí ẩn về nCoV chưa được khoa học giải đáp.
Đến nay, chỉ vài chục người trên toàn thế giới được xác nhận tái nhiễm hai lần nCoV. Một người đàn ông ở Hong Kong không biết mình đã bị nhiễm virus lần thứ hai cho đến khi được kiểm tra định kỳ khi trở về nhà sau một chuyến đi đến Italy. Một người đàn ông khác, 25 tuổi, ở Nevada, Mỹ, lần thứ hai ốm nặng hơn.
Trong cả hai trường hợp, phân tích di truyền đã chứng minh rằng họ bị nhiễm hai lần, với các chủng nCoV khác nhau. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nhận được báo cáo về các ca tái nhiễm, nhưng chúng tương đối hiếm cho đến nay.
Nguyễn Ngọc (Theo People)