Lydia Mobley, một y tá của Fastaff, đơn vị đang triển khai "dàn trận" y tá trên khắp nước Mỹ, chia sẻ với phóng viên của đài CBSN rằng "một điều phổ biến mà chúng tôi nghe được là họ không nghĩ virus gây Covid-19 là có thật và nghiêm trọng".
"Thật khó khăn khi phải chứng kiến một người vật lộn để thở và thấy họ phải ân hận vì không chịu đeo khẩu trang, hoặc có thể là không nên đi dự buổi tiệc này, không nên đi dự đám cưới nọ hoặc không đi lễ nhà thờ đó", Mobley nói. "Cuối cùng, mọi người đang chết vì họ không nhận ra mức độ nghiêm trọng của tình huống. Việc chứng kiến điều đó thật khó khăn biết bao".
Theo Đại học Johns Hopkins, số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ đã tăng mạnh trong tháng 11, với hơn 624.000 ca nhiễm tính đến ngày 13/11. Chỉ trong hôm đó, hơn 184.000 trường hợp mới đã được báo cáo, mức kỷ lục trong một ngày đơn lẻ.
Mobley nhiều lần chứng kiến các y tá đồng nghiệp, những người điều trị cho bệnh nhân từ đầu đại dịch, đã phải đấu tranh để không suy sụp. "Lời khuyên mà tôi đưa ra rất nhiều lần chính là chỉ cần sống sót", Mobley nói.
Mobley phải cố ngăn những giọt nước mắt khi cô kể về chuyện ngồi bên một bệnh nhân vừa qua đời. "Bạn không muốn ai đó chết một mình, nhưng vẫn còn nhiều bệnh nhân cần được chăm sóc", Mobley nói. "Trong khoảnh khắc họ sắp lìa xa trần thế, khi mọi biện pháp đã cạn kiệt, bạn hãy cố gắng để họ thoải mái trong giây phút cuối cùng. Bởi vì chẳng ai đáng phải chết một mình, nhưng tiếc là gia đình không được phép ở bên giường bệnh cùng họ. Đó là một điều thực sự khó khăn nhưng lại đang diễn ra trên khắp đất nước của chúng ta".
Mobley nói rằng dù cô may mắn khi bệnh viện của mình có đủ PPE (trang thiết bị phòng hộ cá nhân), nhưng đang hết túi đựng xác bệnh nhân tử vong do Covid-19.
Các phương pháp điều trị mới đang có nhiều triển vọng. Trong khi các bác sĩ thành công với phương pháp điều trị huyết tương từ bệnh nhân đã hồi phục, Mobley cho biết nguồn cung cấp huyết tương từ bệnh nhân khỏi Covid-19 đang cạn kiệt. Mobley cầu khẩn mọi người từng mắc bệnh hãy hiến huyết tương, cũng khuyến nghị hoạt động hiến máu. Cô còn khẩn nài người Mỹ hãy đeo khẩu trang.
"Mọi người đang chết và điều đó thật buồn," Mobley nói. "Và tôi hy vọng nhiều người sẽ hiểu rằng những việc đơn giản như đeo khẩu trang hay không đi dự tiệc, hay bất cứ bước nhỏ nào, cũng có thể thực sự tạo nên khác biệt", cô nhấn mạnh.
Ngày 16/11, tin nhắn từ một người bạn bác sĩ đang điều trị bệnh nhân Covid 19 của nữ diễn viên June Diane Raphael cũng tạo sóng trên mạng xã hội Twitter. Bác sĩ tên Kate kể về 10 ngày đêm làm việc liên tục khi phải điều trị cho số bệnh nhân nhiều chưa từng thấy trong đời.
"Ít nhất một nửa trong số bệnh nhân đó có khả năng sẽ chết", cô kể. "Tôi gọi điện cho gia đình họ hàng ngày và đã nức nở khi phải cập nhật thông tin cho một bà mẹ về cô con gái đang nguy kịch của bà", Kate tiếp tục kể.
Dường như không có sự kết nối giữa phòng cấp cứu hồi sức nơi có những bệnh nhân thập tử nhất sinh với cộng đồng, nơi người dân không đeo khẩu trang và tiếp tục tụ tập đông người. "Họ phàn nàn về quyền tự do cá nhân bị giới hạn và những ảnh hưởng tâm thần khi phải giãn cách xã hội, nhưng họ không mảy may tôn trọng quyền được sống của người khác, hoặc suy nghĩ về việc ông bà mình có thể mắc bệnh, hoặc những chấn thương tinh thần đang đè nặng lên y bác sĩ. Điều đó thật kinh khủng", nữ bác sĩ viết.
Mỹ đang đối mặt với "cơn bão" Covid 19 với hơn 11 triệu ca mắc và hơn 250.000 người tử vong, trở thành điểm nóng đại dịch hiện nay.
Minh Vũ (Theo CBS News, Buzzfeed)