Juliane Koepcke, 17 tuổi, ngồi ghế 19F bên cửa sổ trên chuyến bay mang số hiệu 508 của hãng hàng không Peru LANSA vào ngày Giáng sinh năm 1972. Máy bay Lockheed L-188A Electra chở 92 người khởi hành từ Lima để tới Pucallpa, Peru. Khi còn khoảng 20 phút là đến lúc hạ cánh, máy bay bắt đầu rung lắc, khiến vali và các hộp quà Giáng sinh rơi xuống.
Sét đánh vào cánh phải của máy bay và nó lao xuống. Trong tiếng la hét của hàng chục người khác, Koepcke nghe thấy tiếng mẹ nói từ ghế bên cạnh rằng "tất cả kết thúc rồi!". Sau đó, phi cơ vỡ thành từng mảnh.
"Mẹ tôi không còn ở bên cạnh và tôi cũng không còn trên máy bay nữa. Người tôi vẫn cột chặt vào ghế nhưng chỉ còn một mình. Tôi rơi tự do từ độ cao hơn 3.000 m", Koepcke viết trong cuốn hồi ký When I Fell From the Sky (Khi tôi rơi từ trên trời).
Cô gái 17 tuổi đã sống sót thần kỳ sau vụ tai nạn. Song tất cả chỉ mới bắt đầu. Là hành khách duy nhất sóng sót trên chuyến bay 508, Koepcke đã trải qua 11 ngày trong rừng Amazon trước khi được các ngư dân bản địa phát hiện. Hơn 50 năm sau, câu chuyện của Koepcke được nhắc lại vì nhiều điểm tương đồng với trường hợp 4 đứa trẻ ở Colombia sống sót 40 ngày trong rừng Amazon sau khi máy bay chở chúng rơi hôm 1/5.
Bốn đứa trẻ, tuổi từ 1 tới 13, đã sống sót qua vụ tai nạn máy bay khiến 3 người lớn, trong đó có mẹ các em, thiệt mạng. Người nhà cho biết những đứa trẻ thuộc cộng đồng thổ dân Huitoto đã ăn bột sắn mang theo trên máy bay và trái cây hái từ rừng. Chúng trú ẩn bên trong các gốc cây khi trời mưa.
Tổ chức Các dân tộc bản địa Amazon của Colombia nói rằng các em sống sót nhờ "kiến thức và mối quan hệ với môi trường sống tự nhiên" mà các thổ dân được thực hành từ khi còn nhỏ.
Koepcke cũng lớn lên với cuộc sống gắn liền với thiên nhiên. Cha cô, Hans-Wilhelm, là nhà động vật học, trong khi mẹ Maria là nhà nghiên cứu về các loài chim. Hai người gặp nhau tại Đại học Kiel của Đức. Với mong muốn tìm kiếm một đất nước có "sự đa dạng sinh học chưa được khám phá", hai người đến Peru và kết hôn ở Lima.
Họ nuôi dạy cô con gái duy nhất trong một ngôi nhà có nhiều loài động vật, như vẹt, cừu cùng nhiều con chim bị thương mà Maria đã cứu.
Trong nhiều năm, họ sống tại trạm nghiên cứu tự thành lập nằm sâu trong rừng Amazon gọi là Panguana, được đặt tên theo một loài chim bản địa. Koepcke từ nhỏ đã yêu thích rừng rậm, tìm hiểu về các loài động thực vật. Koepcke sau này viết trong hồi ký rằng cô đã "theo học tại ngôi trường rừng nhiệt đới".
Trong chuyến bay định mệnh năm 1972, Koepcke và mẹ đang trở về nhà để mừng Giáng sinh với cha sau lễ tốt nghiệp trung học. Chuyến bay bị hoãn nhưng sau đó khởi hành suôn sẻ. Tuy nhiên, các đám mây đen xuất hiện, báo hiệu thảm kịch sắp xảy ra.
Mẹ của Koepcke nhìn bầu trời đầy lo lắng và nói "hy vọng mọi thứ sẽ ổn". Sau đó, sét đánh vào cánh máy bay. "Điều tiếp theo mà tôi biết là tôi không còn trong cabin nữa. Tôi đang ở ngoài và bay giữa không trung. Tôi không rời khỏi máy bay, máy bay rời khỏi tôi", cô kể.
Khi rơi xuống, Koepcke chỉ kịp thấy những ngọn cây dày đặc như bông cải xanh, trước khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau trong rừng. Chiếc váy sát nách bị rách, kính cận và một chiếc sandal biến mất.
Koepcke bị choáng, gãy xương đòn và trên người có một vài vết cắt sâu. Koepcke sau này viết trong hồi ký rằng khu rừng "đã cứu mạng tôi". Những tán lá đã làm giảm tác động của cú ngã từ hơn 3.000 m.
Sau khi tỉnh dậy, Koepcke tìm kiếm mẹ nhưng không thấy ai. Koepcke nhận ra cô chỉ còn một mình. Cô vận dụng những kiến thức mà cha đã dạy: nếu lạc trong rừng, hãy tìm nước và đi theo dòng chảy, nó sẽ dẫn tới một nguồn nước lớn hơn. Để tìm nguồn nước, Koepcke một mình đi bộ trong rừng rậm Amazon với đầy rắn, muỗi, khỉ và ếch.
"Tôi không bao giờ sợ rừng rậm", cô nói.
Trên hành trình, cô đã thấy một cảnh tượng kinh hoàng: một hàng ghế máy bay với các thi thể. Trong khoảnh khắc đó, "chân tôi như tê liệt", Koepcke mô tả.
Koepcke nghĩ mẹ mình có thể là một trong số họ. Koepcke dùng que chạm vào thi thể và nhận ra người phụ nữ có sơn móng chân, trong khi mẹ cô không bao giờ làm điều đó. "Tôi ngay lập tức cảm thấy nhẹ nhõm nhưng rồi lại cảm thấy xấu hổ vì suy nghĩ đó", Koepcke nói.
Đến ngày thứ 10, Koepcke gần như kiệt sức. Có lúc cô nghe thấy tiếng máy bay cứu hộ nhưng không có cách nào báo hiệu cho họ biết mình ở phía dưới những tán cây dày đặc. Koepcke chỉ có một túi kẹo mà cô tìm thấy ở hiện trường máy bay rơi và nghĩ rằng mình sẽ chết đói.
Chiều hôm đó, cô nhìn thấy một chiếc thuyền và tưởng mình bị ảo giác. Khi chạm vào, cô biết nó là thật. Con đường gần đó dẫn tới một cái lán, bên ngoài là một động cơ và một can xăng.
"Tôi có vết thương hở ở cánh tay phải. Ruồi đã đẻ trứng vào đó và có những con giòi dài khoảng một cm. Tôi nhớ chó cưng của tôi từng bị nhiễm trùng giống như vậy và bố tôi đã đổ dầu hỏa vào vết thương. Tôi lấy xăng bôi vào vết thương và lấy được khoảng 30 con giòi ra".
Vào ngày thứ 11, Koepcke đang chờ ở lán thì nghe thấy giọng nói của một số người đàn ông và nhận ra mình sẽ được cứu. "Khoảnh khắc đó giống như nghe thấy giọng của những thiên thần", Koepcke kể.
Đó là các ngư dân địa phương quay trở lại chiếc lán của họ. Họ sơ cứu, cho Koepcke đồ ăn và đưa cô đến nơi có nhiều người sinh sống. Koepcke được đưa lên trực thăng để đến bệnh viện.
Rất nhanh sau đó, Koepcke đoàn tụ với cha. Vào ngày 12/1/1973, thi thể của mẹ cô được tìm thấy.
Koepcke tiếp tục học tại Keil, lấy tấm bằng tiến sĩ và trở về Panguana để viết luận án tiến sĩ về loài dơi. Sau khi cha qua đời vào năm 2000, bà trở thành giám đốc trạm nghiên cứu.
Ngay cả khi đã kết hôn và có cuộc sống mới, những ký ức về vụ tai nạn vẫn hằn sâu trong tâm trí của bà suốt nhiều thập kỷ.
"Tất nhiên tôi đã gặp ác mộng trong rất nhiều năm. Nỗi đau về sự ra đi của mẹ và những người khác cứ ám ảnh tôi hết lần này tới lần khác. Tôi tự hỏi tại sao mình là người duy nhất còn sống", Koepcke, hiện 68 tuổi, nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post, BBC)