Sonika đang sống giấc mơ cô hằng khao khát trong 5 năm bị bán làm nô lệ tình dục. Video: Reuters.
Một buổi sáng như mọi ngày, trong phòng trọ một phòng ngủ ở ngoại ô thành phố Mumbai, Ấn Độ, Sonika chuẩn bị đồ ăn trưa. Cô mặc quần jean xanh, áo sơ mi đen, ăn qua quýt bữa sáng, chụp vội ảnh selfie trước khi đổ ra đường để kịp bắt chuyến xe buýt đi làm lúc 8h45.
Thời gian biểu buổi sáng của Sonika không khác những cô gái đi làm ở thành phố này là bao. Nhưng với cô gái 19 tuổi này, đó là sự bình dị đáng trân trọng hơn tất thảy. Chỉ hai năm trước, cuộc đời cô còn chôn chặt trong 5 năm đằng đẵng làm nô lệ tình dục, theo Reuters.
"Tôi đã căm ghét cuộc đời mình, nhưng tôi không có lựa chọn nào. Một ngày của tôi dài 18 tiếng hoặc lâu hơn. Tôi từng muốn chết", Sonika, bị bán làm gái làng chơi từ năm 13 tuổi, kể lại.
Sonika là một trong khoảng 50 nạn nhân của nạn buôn người ở Mumbai được tổ chức Kshamata giải cứu. Cuộc sống đen tối của cô bước sang một trang mới. Đầu năm nay Sonika thuê một căn phòng đơn giản và có thêm một bạn trọ.
Kshamata là tổ chức từ thiện được bà Bharathy Tahiliani sáng lập năm 2013, có mục tiêu giúp nạn nhân từng bị bán làm nô lệ tình dục sống tự lập. Họ tin rằng chỉ khi làm chủ về tài chính, nạn nhân mới không rơi vào con đường cũ.
Cuộc tái hòa nhập của Sonika không dễ dàng. Với học vấn lớp 4, cô chật vật trong công việc đầu tiên. Chủ cửa hàng trang sức kỳ vọng cô giao tiếp bằng tiếng Anh với khách.
Tình nguyện viên ở Kshamata sau đó giúp Sonika tìm việc ở một công ty sản xuất quần áo. Ngày công 9 tiếng với nhiệm vụ giao quần áo và nhận tiền từ cửa hàng giúp Sonika có thu nhập 140 USD/tháng.
Để thuê được chỗ ở của ngày hôm nay, Sonika phải vượt qua định kiến với những phụ nữ độc thân trong thành phố của các chủ trọ. Cô đã thuyết phục chồng của một người bạn cùng săn nhà trọ đến lúc họ thành công.
Tiền trọ khoảng 62 USD mỗi tháng cô chia đôi với bạn cùng phòng. Bạn Sonika, cũng từng bị bán làm nô lệ tình dục, hiện bán hàng ở một siêu thị với thu nhập gần 190 USD/ tháng.
Ước tính trong 20 triệu người bán dâm ở Ấn Độ, có 16 triệu phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của buôn bán nô lệ tình dục. Gần một nửa trong đó là trẻ vị thành niên hoặc trẻ em. Có nạn nhân chỉ mới 9 tuổi.
Các nghiên cứu chỉ ra hầu hết những bé gái được giải cứu bị bán trở lại do không thể tự kiếm sống khi trở về cộng đồng. Trong khi đó, đa số những người ở các trung tâm được chính phủ hay các tổ chức từ thiện hỗ trợ không bước ra khỏi nơi nương tựa mới.
"Họ không bao giờ rời khỏi sự chăm sóc của trung tâm. Họ không tự lập", Tahiliani cho biết.
Chính vì vậy, câu chuyện của Sonika trở thành một điểm sáng. "Cô ấy có thể bước ra khỏi sự bao học, tự sống, tin tưởng bạn trọ và đồng nghiệp. Đó là một chiến thắng với chúng tôi và dĩ nhiên với cả cô ấy", Tahiliani nói.
Theo dữ liệu mới của chính phủ Ấn Độ, các trường hợp buôn bán người tăng mỗi năm ở quốc gia này. Nghiên cứu của Kshamata cho thấy chỉ chưa đầy 10% những cô gái được giải cứu khỏi nhà thổ tái hòa nhập xã hội. "Chúng tôi không thể tìm ra phần lớn bọn họ", Tahiliani nói.
Trong bối cảnh mới, những chương trình tái hòa nhập cho người từng bị bán làm nô lệ tình dục ở Ấn Độ cũng bắt đầu chuyển đổi. Thay vì được dạy thêu và đan rổ truyền thống, nạn nhân được tham gia các khóa tư vấn việc làm và nói chuyện.
"Các cô gái trẻ thường bối rối trước lựa chọn nghề nghiệp. Vì vậy chúng tôi tư vấn và giúp họ tìm việc theo sở thích", Pratishta Kale tại Kshamata nói.
Theo Jyoti Nale, giám đốc chương trình tại tổ chức từ thiện Save the Children India, cách tư duy mới đang dần hình thành vài năm qua. Nạn nhân có xu hướng thích sống tự lập thay vì dựa vào chính phủ hay tổ chức từ thiện. "Đây là cách tốt nhất để hướng về phía trước", Nale nói.
Cách nơi Sonika sống khoảng 1,5 km, Navaya, một nạn nhân khác, cũng sống trong căn hộ một phòng ngủ. Cô di chuyển 4 tiếng mỗi ngày trên những chuyến tàu ních người của Mumbai để làm việc ở một tiệm cắt tóc cao cấp phía nam thành phố.
Việc đi lại dù mệt mỏi và tốn thời gian, song đó là điều những cô gái này ít bận tâm nhất.
"Sau khi nói với mọi người ở Kshamata tôi muốn sống tự lập, tôi nhận ra có thể mình đã nuôi một giấc mộng quá xa vời", Sonika nhớ lại. Giấc mơ cô từng nghĩ quá xa vời giờ đã thành sự thật. "Ở đây tôi thấy an toàn. Tôi làm điều tôi muốn", Sonika chia sẻ. "Đây là cuộc sống tôi hằng ao ước".
Vũ Phong