Trong lần gọi điện cuối cùng về nhà, Gregory Buckley, một sĩ quan quân đội Mỹ đồn trú tại miền nam Afghanistan, nói với cha rằng vào ban đêm ở doanh trại, anh có thể nghe thấy tiếng la hét của những bé trai đang bị đám cảnh sát địa phương hãm hiếp.
"Con trai tôi nói rằng cấp trên ra lệnh cho nó lờ đi vì đó là văn hóa của họ", New York Times dẫn lời cha của người lính thủy quân lục chiến nhớ lại cuộc nói chuyện giữa hai cha con ngay trước khi con trai ông bị bắn chết tại căn cứ vào năm 2012.
Lạm dụng tình dục trẻ nhỏ từ lâu đã phổ biến và được chấp nhận rộng rãi ở đất nước vùng Nam Trung Á này. Người Afghanistan có câu "Phụ nữ là để sinh con đẻ cái còn các cậu bé là để mua vui", theo AFP.
Đặc biệt phong tục "Bacha bazi", vốn là một hình thức giải trí truyền thống ở Afghanistan, đã biến nhiều nam thiếu niên, thậm chí cả những cậu bé mới 10 tuổi, thành nô lệ tình dục cho những người đàn ông trung niên giàu có và quyền thế. Bacha bazi, nghĩa là "trai nhảy", phải trang điểm, mặc váy áo của phụ nữ, mang áo lót độn ngực, đeo chuông và nhảy múa trong các bữa tiệc, trong khi đó, ông chủ và các khách khứa mặc sức sờ soạng. Khi tàn tiệc, bọn trẻ được bán cho người trả giá cao nhất hoặc bị cưỡng bức tập thể.
Do xã hội Afghanistan cấm tuyệt đối phụ nữ và đàn ông tiếp xúc với nhau, phụ nữ cũng không được lộ diện ở nơi công cộng, "trai nhảy" trở thành công cụ mua vui cho những người đàn ông lớn tuổi, bao gồm cả quan chức, cảnh sát và sĩ quan quân đội. Những người này khăng khăng cho rằng họ không yêu nạn nhân nên hành động lạm dụng không bị coi là quan hệ đồng tính luyến ái.
Nạn nhân của phong tục này thường là những bé trai từ 10 đến 18 tuổi mồ côi hoặc nghèo đói. Một số bị bắt cóc, số khác bị chính gia đình bán đi trong cơn túng quẫn. Các tay môi giới sau đó huấn luyện các em trở thành "trai nhảy" với hứa hẹn về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
"Các bacha bazi bị sang chấn tâm lý nghiêm trọng vì các em thường xuyên bị cưỡng hiếp", một báo cáo của ủy ban độc lập về nhân quyền ở Afghanistan nhận xét về nạn nhân của vấn nạn ấu dâm, "(Chúng) bị căng thẳng, mất niềm tin, tuyệt vọng và bi quan. Hậu quả của Bacha bazi là nỗi sợ hãi lớn dần trong những đứa trẻ. Chúng nung nấu ham muốn trả thù và bị sự hằn học ám ảnh tâm trí".
Một số cậu bé cố gắng tìm cách trốn thoát bất chấp rủi ro có thể bị sát hại nếu bại lộ. Nhưng dù có tẩu thoát thành công, đa số không có chỗ nào để đi.
"Làm sao có thể thoát khỏi nơi này", một câu bé nói với Reuters, "Chúng cháu có thể đi đâu được cơ chứ? Xã hội và gia đình đều ruồng rẫy chúng cháu".
Bị mắc kẹt trong một vòng tròn luẩn quẩn, khi quá tuổi làm "trai nhảy", nhiều nạn nhân lại trở thành những tay cò mồi chuyên chăn dắt và tìm kiếm những bé trai xinh xắn.
"Cháu yêu quý ông chủ của mình. Cháu thích nhảy múa và đóng vai một người phụ nữ vui đùa cùng ông ấy. Khi nào lớn lên, cháu cũng sẽ có những bé trai của riêng mình", Ahmad tâm sự với phóng viên Reuters vào năm 2007 lúc đó cậu mới 17 tuổi.
Lực lượng quân đội Mỹ có mặt tại Afghanistan suốt 16 năm qua trong cuộc chiến dai dẳng chống lực lượng khủng bố Taliban. Và theo nhiều lính Mỹ, cuộc chiến đấu này "không giúp chấm dứt vấn nạn lạm dụng tình dục trẻ em" ở Afghanistan.
"Lý do chúng tôi ở đó là vì chúng tôi được nghe về những điều tồi tệ mà Taliban gây ra cho người dân", đội trưởng lực lượng đặc biệt Dan Quinn nói, "Nhưng thực chất chúng tôi lại đang trao quyền lực vào tay những kẻ dám làm những điều kinh khủng hơn cả Taliban". Quinn cho biết anh từng đánh một chỉ huy người Afghanistan vì gã này xích một bé trai vào giường và giam cầm em làm nô lệ tình dục.
An Hồng