Cô gái 18 tuổi là một trong 43 VĐV đến từ nhiều quốc gia khác nhau đang được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) xem xét tư cách để đến Rio, Brazil vào tháng 8 năm nay.
Yusra từng là một trong những VĐV triển vọng của bơi lội Syria. Tuy nhiên, chiến tranh đã cướp đi của cô những ngày tháng tươi đẹp ở quê nhà Damascus. Cách đây chừng nửa năm cô cùng chị gái Sarah thực hiện một chuyến đi sống còn và đầy nguy hiểm: xuyên qua biển Aegean để đến châu Âu.
“Nhà của chúng tôi bị phá hủy. Chúng tôi chẳng còn gì”, Yusra Mardini nói với hãng tin AP.
Gia đình Yusra phải chuyển nơi ở nhiều lần để tránh những cuộc chiến. Tuy nhiên, họ nhận ra thảm cảnh ở quê nhà không thể sớm kết thúc. Chiến tranh ngày càng khốc liệt ở Damascus và họ quyết định rời đi để tìm đường sống.
Đầu tháng 8/2015, chị em nhà Mardini hòa vào dòng người tị nạn Syria tìm đường đổ bộ sang châu Âu. Họ đi qua Lebanon rồi Thổ Nhĩ Kỳ, phải trả tiền cho cánh buôn lậu để được dẫn sang Hy Lạp.
* Xem thêm ảnh cô gái tị nạn Yusra Mardini
Lần đầu, họ bị cảnh sát biển Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện và bắt quay đầu lại. Tuy nhiên, đợi tới lúc hoàng hôn, 20 người cùng nhau lên một chiếc xuồng hơi nhỏ và họ quyết định thực hiện một chuyến đi nguy hiểm qua biển Aegean.
Nửa tiếng sau, chiếc xuồng nhỏ bắt đầu chìm vì chở quá nhiều người và ba trong số đó không biết bơi. Tất cả cùng vứt hành lý xuống biển nhưng nhiêu đó là chưa đủ. Cuối cùng, Yusra, Sarah và một VĐV bơi lội khác nhảy xuống biển.
“Điều đó thật tồi tệ. Chúng tôi nghĩ rằng, thật xấu hổ nếu không thể giúp những người đồng hành, bởi có những người trong đó không biết bơi. Dĩ nhiên, sau đó thì tôi ghét biển lắm. Đó quả thực là một trải nghiệm khó khăn”, Yusra Mardini nói.
Lênh đênh trên biển ba tiếng rưỡi, tay bám vào mạn chiếc xuồng, Yusra, Sarah và mọi người cuối cùng cũng đến Lesbos, một hòn đảo thuộc Hy Lạp. Họ tiếp tục đi bộ một tuần qua Macedonia, Serbia và Hungary. Họ phải trốn cảnh sát trong những cánh đồng ngô để đến được Hungary. “Rất nhiều người đã bị bắt”, Yusra chia sẻ.
Những người lạ mặt cho họ quần áo, nhưng có những người lại cướp đồ của họ. Họ bị bắt ở biên giới và mất nhiều tiền để mua vé khi chính quyền không cho đoàn tàu chở người tị nạn đi qua. Tuy nhiên, họ không bao giờ mất tinh thần. Cảnh sát hỏi họ tại sao bị bắt mà vẫn cười.
“Chúng tôi trả lời rằng chúng tôi đã suýt chết trên biển thì tại sao phải sợ các ông?”, Yusra giải thích.
Cuối cùng, chị em nhà Mardini đến Áo rồi sang Đức. Sau đó không lâu, một người Ai Cập phiên dịch trong đoàn đưa họ đến trung tâm bơi lội Wasserfreunde Spandau 04. Tại đây, họ gặp HLV Sven Spannekrebs.
Spannekrebs ngạc nhiên vì khả năng của Yusra Mardini. Ông cho rằng cô gái 18 tuổi đủ sức lọt vào Đoàn VĐV tị nạn tại Olympic.
“Năm tháng qua, cô ấy tiến bộ rất tốt. Tốt hơn tôi mong đợi. Chúng tôi đang đi đúng hướng và chờ đợi những kết quả mới”, Spannekrebs nói.
Ban đầu, họ hướng đến Olympic 2020 ở Tokyo nhưng Spannekrebs nói với sự tiến bộ của Yusra, mọi thứ có thể diễn ra nhanh hơn. “Rất nhiều vận động viên xem cô ấy là tấm gương. Cô ấy tập luyện rất tập trung”, Spannekrebs nói.
Mỗi ngày, Yusra Mardini đến trường học rồi đi bơi, rồi lại đi học và đi bơi. Cô quyết tâm nắm lấy những cơ hội, đặc biệt sau những gì bản thân đã trải qua.
“Thật khó khăn khi phải rời xa quê nhà. Không chỉ tôi, rất nhiều đồng bào của tôi, hàng nghìn người đều như vậy. Điều đó làm tôi bớt tủi thân đôi chút. Chúng tôi vẫn có thể tương trợ lẫn nhau”, Yusra nói. “Tôi muốn những người tị nạn tự hào về tôi. Tôi muốn khích lệ họ. Đây là cơ hội cả đời có một. Một cơ hội tốt và tôi nghĩ mình sẽ cố gắng nhất có thể”.
Yusra Mardini hy vọng sẽ đủ khả năng tranh tài ở nội dung 200m tự do tại Olympic. Cô hào hứng trước viễn cảnh được gặp lại đồng đội cũ ở đội tuyển bơi lội Syria và bạn bè.
“Chúng tôi đã nói với nhau về điều đó. Nó giống như là: 'Này, chúng ta sẽ lại gặp nhau'. Tất cả các VĐV đều muốn dự Olympic. Tham gia dưới lá cờ Syria hay Olympic không quan trọng. Tôi chỉ nghĩ mình sẽ trở thành một vận động viên thực thụ”, Yusra nói.
Di Khánh