Thông báo trên được Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach đưa ra trong cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 26/10.
Theo đó, các VĐV đỉnh cao, dù không đại diện cho bất kỳ quốc gia nào vẫn được phép tham dự Thế vận hội Rio 2016 dưới lá cờ Olympic miễn là họ đáp ứng khía cạnh chuyên môn của đại hội thể thao lớn nhất hành tinh.
“Thế vận hội là thời điểm mà sự tha thứ, đoàn kết và hòa bình được đề cao. Đây là thời điểm để cộng đồng quốc tế chung tay vì mục đích hòa bình. Ở trong làng VĐV Olympic, chúng ta thấy sự tha thứ và đoàn kết trở về giá trị nguyên bản của chúng. Tất cả các VĐV từ 206 Ủy ban Olympic quốc gia chung sống hòa đồng mà không có bất cứ sự phân biệt nào”, Thomas Bach phát biểu.
Tuyên bố của IOC được đưa ra trong thời điểm các quốc gia châu Âu đang phải đối mặt với dòng người tị nạn từ Trung Đông, châu Phi và châu Á mà chưa có giải pháp khả thi nào được thực hiện.
“Lúc này, không một vận động viên nào dưới dạng tị nạn có thể tham dự Olympic dù đáp ứng tiêu chuẩn chuyên môn vì họ không đại diện cho quốc gia hay Ủy ban Olympic quốc gia nào. Tuy nhiên, ở Olymnpic sắp tới, nếu không thuộc về quốc gia nào, không bước dưới màu cờ nào hay không hát bất cứ bài quốc ca nào, vận động viên vẫn được chào đón dưới lá cờ Olympic, hát bài ca Olympic”, Thomas Bach nói trong bài diễn văn ở cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
180 trong 193 thành viên của Liên Hiệp Quốc tán thành ý kiến của IOC về vấn đề VĐV tị nạn đồng thời kêu gọi đề cao tinh thần hòa bình, hữu nghị trong thời gian một tuần trước khi Olympic diễn ra (5/8 đến 21/8) cho đến một tuần sau khi kết thúc Paralympic (7/9 đến 18/9).
Di Khánh