Ang Lee Meng là một nữ sinh thông minh, học giỏi, được chính phủ Malaysia tặng một suất học bổng chuyên ngành vật lý trị liệu tại Đại học Drexel, Mỹ, vào năm 2010. Tai ương ập đến khi chỉ còn nửa năm nữa là tốt nghiệp, cô gái đột nhiên ngã bệnh nặng trong một lần về quê thăm gia đình và bạn bè ở Johor Bahru.
"Ban đầu tôi bị sốt cao, nghĩ chỉ là sốt thông thường và sẽ hết sau vài ngày", cô nhớ lại. Đến khi sốt liên tục lên đến 39 độ C, Ang mới chịu đến bệnh viện. Nhận thấy nhịp tim của bệnh nhân đập nhanh bất thường, bác sĩ yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm. Kết quả cho thấy Ang bị bệnh bạch cầu, còn gọi là ung thư máu. Bố mẹ Ang quyết định đưa nữ sinh về Singapore điều trị để tiện chăm sóc con hơn.
Bà Jaen, 58 tuổi, mẹ của Ang kể: "Tôi rất lo lắng cho con bé. Ung thư không giống như một căn bệnh bình thường, trong khi tuổi đời cháu còn quá trẻ".
Bác sĩ Lim ZiYi, tư vấn viên cao cấp ở khoa Huyết học, Trung tâm ung thư PCC, đã trực tiếp khám cho Ang và xác định cô bị ung thư bạch cầu. Bệnh nhân được điều trị bằng 2 đợt hóa trị tăng cường kết hợp với cấy ghép tế bào gốc.
Bác sĩ Lim giải thích rằng nếu chỉ thực hiện hóa trị, Ang chỉ có 20-30% cơ hội chữa khỏi, trong khi cấy ghép tế bào gốc thành công, cơ hội này tăng lên đến 60-70%. "Điều quan trọng là cần tìm được nguồn hiến tủy xương. Các đợt kiểm tra khả năng tương thích được thực hiện trên anh chị em của bệnh nhân. Kết quả là mẫu tủy xương của anh trai ruột phù hợp với Ang", bác sĩ kể.
Bác sĩ Lim cho rằng Ang là một trường hợp may mắn bởi khả năng tủy xương của anh chị em phù hợp với một bệnh nhân chỉ có 25%. "Đôi khi bạn có 10 anh chị em mà không ai phù hợp. Nhưng có trường hợp bệnh nhân chỉ có một anh hoặc chị em nhưng người đó lại phù hợp", bác sĩ nói.
Ang cho biết cô rất mang ơn anh trai vì đã không chút ngần ngại hiến tặng tủy xương cho cô. "Các bác sĩ nói rằng không cần phải lo lắng vì việc hiến tủy xương cũng giống như lấy máu thôi. Anh trai tôi đã từng hiến máu nên hầu như không lo lắng gì", cô gái nhớ lại. Sau khi ca cấy ghép đã thành công, 2 anh em luôn miệng nói đùa với nhau về việc đó. Ang bảo: "Anh khá béo, vì vậy tôi nói đùa rằng anh đã không chỉ cho em tủy xương mà còn cả mỡ nữa. Em đang cảm thấy cơ thể béo lên nhiều rồi đây".
Sau ca phẫu thuật, thể trạng của bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục tốt. Ung thư không thể lấy đi niềm tin yêu cuộc sống của Ang song nó khiến sức khỏe cô gái yếu đi đáng kể. "Tôi cảm thấy ổn rồi nhưng thú thật cơ thể không còn được khỏe mạnh như trước. Trước đây tôi có thể đi cầu thang lên và xuống rất nhanh nhưng bây giờ tôi đi khá chậm".
Bà Jaen, mẹ của Ang cũng cho biết gia đình cảm nhận rất rõ sự giảm sút sức khỏe của con gái: "Trước đây tôi phải đuổi theo con mỗi khi chúng tôi đi ra ngoài. Nhưng bây giờ con bé phải đuổi theo tôi". Bản thân Ang luôn cảm thấy lạc quan khi kể về hành trình chống chọi với căn bệnh của mình. Hiện tại không còn cảm giác ngon miệng khi ăn uống như trước nhưng Ang cho biết may mắn là các tác dụng phụ của hóa trị đã không xảy ra với cô như những bệnh nhân khác.
Bác sĩ Lim cho biết mặc dù sử dụng nhiều loại thuốc mạnh trong quá trình phẫu thuật cấy ghép, song nhờ quản lý hiệu quả các biến chứng nên bệnh nhân không bị nhiều tác dụng phụ. Để giúp sức khỏe phục hồi tốt, nữ bệnh nhân cũng được hướng dẫn cách vận động phù hợp và không phải kiêng cữ nhiều trong ăn uống.
Hiện nay theo định kỳ mỗi tháng một lần, Ang cùng mẹ trở lại Singapore gặp bác sĩ để tái khám. Suốt quá trình hóa trị, Ang không phải đến bệnh viện mà thực hiện ngay tại một khách sạn nơi cô nghỉ ngơi cùng mẹ. Cô gái trẻ cho biết điều mong muốn lớn nhất hiện tại là hoàn thành các công việc và dự định tương lai còn dang dở. "Tôi quyết tâm không để cho bệnh ung thư cản trở mọi ước mơ của mình", Ang mỉm cười chia sẻ.