Nguyễn Mai Vân 27 tuổi đã tin tưởng một spa gần nhà để họ tiêm chất làm đầy (filler) vào sống mũi với mong muốn mũi cao không phẫu thuật đau đớn. Ngày thứ hai sau khi làm đẹp, mũi Vân bắt đầu có hiện tượng sưng đỏ, dần chuyển sang bầm tím. Cô được nhân viên spa này giải thích là hiện tượng bình thường sau khi tiêm filler và chỉ cần về nhà nghỉ ngơi chờ cho mũi hết sưng.
Ngày thứ 5, tình trạng mũi không được cải thiện, vết đỏ bầm càng nghiêm trọng hơn. Lo sợ, bệnh nhân về Hà Nội thăm khám và kiểm tra. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hà tiếp nhận bệnh nhân khi mũi cô có dấu hiệu hoại tử. Bác sĩ nhận định bệnh nhân tiêm filler trúng tĩnh mạch nên bị tắc mạch máu, không chữa trị kịp thời có thể khó giữ lại phần mũi.
Hiện tại bệnh nhân đã được tiêm tan và truyền kháng sinh hàng ngày, tình trạng ổn định. Sau 5 ngày điều trị, phần mũi của Hà đã bớt bầm tím, sưng tấy và dần hồi phục.
Theo bác sĩ, trên thực tế, tiêm filler có ưu điểm là thực hiện nhanh chóng, chỉ 10-15 phút có thể tạo được sống mũi cao không cần phẫu thuật, hầu như không đau đớn nên được rất nhiều chị em ưa chuộng. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là không khắc phục được nhược điểm vùng đầu mũi, cánh mũi. Tiêm chất làm đầy tại các cơ sở không đảm bảo, chưa được cấp phép có thể bị nhiễm trùng do vô trùng kém.
Ở thẩm mỹ viện, filler loại tốt giá khoảng 7 triệu đồng 1cc. Ở các spa thường filler giá rẻ khoảng 3 triệu đồng 1cc nên được nhiều người lựa chọn dù có nguy cơ tai biến.
Theo chuyên gia thẩm mỹ, tiêm filler vào sống mũi không được quá 1cc, vùng đầu mũi 0,3 cc. Sử dụng quá liều, vùng được tiêm chưa thích ứng sẽ làm căng da, chèn mạch máu gây thiếu máu các cơ quan kế cận, trong thời gian dài dẫn đến nhiều tai biến nguy hiểm. Tiêm filler nhầm vào mạch máu, tĩnh mạch gây tắc mạch máu cho những cơ quan khác, mù mắt là biến chứng nguy hiểm nhất. Vì vậy, kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ có kinh nghiệm thực hiện, không tiêm tại spa hay những nơi không có biển hiệu, chứng nhận hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.