Nguyễn Thị Loan ở TP HCM vừa khởi kiện một spa vì đã gặp biến chứng khi tiêm chất làm đầy (filler) để nâng mũi làm đẹp.
Sự cố một năm trước khiến cô bị mù mắt và liệt nửa người. Từ đó mỗi khi ra đường Loan luôn đeo kính đen để che một bên mắt đã bị hoại tử và ngày càng lõm sâu vào trong. Điều cô gái lo lắng nhất hiện nay là vùng mỡ và da xung quanh mắt đang tụt dần, chảy xệ do khu vực này bị mất đi các mạch máu nuôi dưỡng.
Cuối tháng 12 năm ngoái, Loan muốn chuyển hướng sang kinh doanh lĩnh vực làm đẹp nên bắt đầu tìm hiểu về phẫu thuật thẩm mỹ. Cô đến một spa xin học việc. Sau vài buổi học, bà chủ tiệm đề nghị Loan làm mẫu tiêm filler mũi và quay phim lại để làm tư liệu giảng dạy.
Loan cho biết người làm thủ thuật tiêm filler khi ấy dùng một cây kim đâm vào sống mũi của cô mà không bôi thuốc tê hay dùng biện pháp gây vô cảm nào. "Em bị đau, vài phút sau cảm thấy mắt trái mờ dần và không nhìn thấy gì", cô gái nhớ lại. Khi Loan ngất xỉu, mọi người ở spa đưa đi cấp cứu ở bệnh viện quận.
Chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ não gây mù mắt và xuất huyết động mạch ở bán cầu não trái gây liệt nửa người bên phải, các bác sĩ Bệnh viện Quận 6 chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị. Sau đó Loan được chuyển đến nhiều bệnh viện lớn như Đại học Y Dược TP HCM, 115, bác sĩ đều kết luận bệnh nhân bị xuất huyết não, tắc động mạch mắt trái và hư hoại dây thần kinh đáy mắt nên mất hẳn thị lực. Nguyên nhân là bệnh nhân bị tiêm filler vào động mạch ở mũi, chất lỏng theo máu chảy đến mắt và lên não gây tắc động mạch ở các vùng này.
Kết quả về sau chẩn đoán bệnh nhân đã bị teo nhãn cầu, mắt co rút, không còn cảm nhận được ánh sáng, không quan sát được đáy mắt. Bác sĩ đã điều trị với steroids để tăng áp suất mắt nhưng không hiệu quả.
Loan tiếp tục được phẫu thuật loại bỏ dịch kính ở mắt, tiêm dầu silicon để phục hồi áp suất nội nhãn và đảo ngược hiện tượng co rút.
Bác sĩ cho biết việc điều trị chỉ nhằm mục đích đảm bảo thẩm mỹ chứ không thể phục hồi thị lực. Hiện nay kích thước mắt trái của bệnh nhân đã to hơn một chút nhưng vẫn bé hơn mắt phải. Bệnh lý giác mạc đã bắt đầu hình thành, sự co rút của tế bào mỡ xung quanh mắt khiến tình trạng trở nên phức tạp hơn.
Loan cho biết điều cô mong hiện nay là giữ được mắt trái để đảm bảo tính thẩm mỹ. Sau đó Loan được y tá hướng dẫn tập đi và tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Đến nay, một năm sau biến chứng, cô gái đã có thể đi lại được nhờ tập vật lý trị liệu, còn thường xuyên bị đau đầu và vấn đề nặng nhất là ở mắt.
Theo chuyên gia thẩm mỹ nội khoa Nguyễn Chí Lân, chất làm đầy được dùng trong lĩnh vực thẩm mỹ thông dụng nhất hiện nay gọi chung là filler, chứa thành phần chủ yếu là hyaluronic axit. Tuy nhiên thị trường có nhiều loại chất làm đầy không nguồn gốc, kém chất lượng như silicon lỏng, giá rẻ... được nhiều cơ sở thẩm mỹ bình dân sử dụng và gây biến chứng nghiêm trọng cho người dùng.
Những biến chứng thường gặp khi tiêm filler là sưng bầm tím, xuất huyết, phản ứng dị ứng, nốt đỏ sần, mặt không cân xứng. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tắc mạch, hoại tử mô, nhiễm trùng, áp xe, mù mắt…Trường hợp tiêm nhầm vào mạch máu, chất làm đầy sẽ theo mạch máu di chuyển và xâm nhập đến các bộ phận khác rất nhanh, không có đủ thời gian để chờ chúng tiêu biến nên hậu quả rất nghiêm trọng.
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng, việc tiêm filler thuộc lĩnh vực khám, chữa bệnh, chỉ được thực hiện tại bệnh viện và phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đã được cơ quan chức năng cấp phép. Cơ sở nào chưa có giấy phép mà thực hiện thủ thuật này gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng của người khác hoặc từng bị xử phạt mà tái phạm, có thể bị xử lý hình sự. Việc bồi thường cho người bị thiệt hại có thể bao gồm toàn bộ chi phí khám chữa bệnh, đi lại, ăn uống khi nằm viện, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút... |