Trải nghiệm "tự phẫu thuật chuyển giới" này được Alice thực hiện tại nhà theo hướng dẫn trên Internet, vì cậu bé không dám nói cho gia đình biết về xu hướng tính dục của mình, bởi xã hội Trung Quốc vẫn coi người chuyển giới là "bệnh tâm thần".
Nhưng cậu không dám làm tiếp sau nhát cắt đầu tiên vì quá đau đớn. Alice dừng lại, không đến bệnh viện cũng như không nói với ai về những gì mình đã làm. Cậu bé năm nào nay đã 23 tuổi, thừa nhận đó là hành vi nguy hiểm, có khả năng chết người.
"Khi đó tôi quá tuyệt vọng và sợ hãi", Alice nói. "Cảm giác ấy cứ chất chứa trong lòng, khiến tôi đưa ra quyết định đó".
Ở Trung Quốc, nơi không có thống kê về số người chuyển giới, rất ít cơ sở y tế cung cấp dịch vụ phẫu thuật chuyển giới cũng như thông tin chuyên môn về điều trị hormone, buộc người ta phải tìm kiếm giải pháp ở chợ đen hoặc trên Internet.
Họ cũng không thể phẫu thuật xác định lại giới tính mà không được gia đình đồng ý, trong khi nhiều người không muốn thảo luận chuyện này với gia đình vì sợ bị xa lánh hoặc từ chối. Ngay cả với những người đủ dũng cảm để nói ra chủ đề này với người thân, họ cũng khó được người nhà chấp nhận cho phẫu thuật.
"Nỗi lo ấy ăn mòn tinh thần và thể xác tôi", Alice nhớ lại.
Báo cáo đầu năm của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho thấy tình trạng phân biệt đối xử với người chuyển giới ở Trung Quốc rất phổ biến. Chi phí điều trị hormone bằng 10% thu nhập trung bình tháng của người dân, khiến nhiều người chuyển giới tìm cách uống thuốc chui hoặc tự phẫu thuật.
"Luật pháp và chính sách phân biệt đối xử khiến nhiều người cảm thấy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mạo hiểm mạng sống bằng cách tự phẫu thuật cực kỳ nguy hiểm hoặc tìm mua thuốc nội tiết thiếu an toàn ở chợ đen", Doriane Lau, nghiên cứu viên về Trung Quốc của Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho hay.
Một người đàn ông chuyển giới có tên Jiatu cho hay bắt đầu cảm thấy không thoải mái với cơ thể mình từ khi sinh ra. Ba năm trước, anh bắt đầu tự điều trị bằng testosterone mua lậu ở Thái Lan.
"Chẳng còn cách nào khác. Chúng tôi học hỏi từ những người anh em trên mạng", Jiatu nói.
Hoàn cảnh của Jiatu không phải là hiếm gặp. Báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho hay thông tin về phẫu thuật chuyển giới thường được đăng trên các diễn đàn mạng hoặc thông qua bạn bè, còn bác sĩ trong hệ thống y tế công không thể cung cấp những biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Hồi tháng 3, chính phủ Trung Quốc đã chấp nhận các khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc về việc cấm phân biệt đối xử với cộng đồng LGBTI (đồng tính, song tính, chuyển giới và chưa xác định), còn Tổ chức Y tế Thế giới đã loại bỏ từ "rối loạn nhận dạng giới tính" khỏi sổ tay chẩn đoán toàn cầu hồi tháng 5.
Alice nhận định thái độ bảo thủ của xã hội Trung Quốc với các nhóm LGBT, đặc biệt là người chuyển giới, cho thấy chính phủ đã chậm chạp trong việc thay đổi chính sách.
"Đây không phải thời điểm tốt nhất để thay đổi, bởi những điều chính phủ có thể làm còn nhiều hạn chế do quan niệm xã hội", Alice giải thích. "Chúng tôi cần đợi tới khi thế hệ tiếp theo được trao quyền thì mọi thứ mới khá hơn".
Hồng Hạnh (Theo AFP)