Đồi Bù (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) mùa này nắng hanh hao và gió lộng, là thời điểm lý tưởng cho người mê dù lượn như Hải Yến xác lập những kỷ lục mới.
Từ sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, cho phép thể thao ngoài trời, gần như ngày nào Yến cũng đến đây. "Khi bay, mình không cần nghĩ ngợi gì, tự do như cánh chim", Yến chia sẻ.
Nguyễn Hải Yến đến với dù lượn năm 2014. Thời điểm đó môn thể thao này đã có mặt ở Việt Nam hơn 5 năm, song chưa phổ biến.
Dù lượn (paragliding) là môn thể thao hàng không, phi công cất cánh bay bằng dù từ đỉnh núi xuống. Bộ môn đòi hỏi phải có một chương trình huấn luyện phi công (người chơi chuyên nghiệp) khắt khe nhằm phòng tránh sự cố nghiêm trọng. Phi công dù lượn thường trải qua một khóa học cơ bản 10 buổi, chi phí khoảng 10 triệu đồng, đầu ra là chứng chỉ P2. Song để được bay một mình, phi công phải tiếp tục học nâng cao để lấy các chứng chỉ P3 và P4, dựa trên tiêu chuẩn của Liên đoàn thể thao hàng không Quốc tế (FAI).
Theo anh Hoàng Mộng Long, huấn luyện viên trưởng CLB Vietwings, Việt Nam hiện có 6 câu lạc bộ dù lượn và gần 300 phi công (người chơi chuyên nghiệp, được cấp chứng chỉ trong và ngoài nước). Qua các năm, số lượng người chơi không tăng lên nhiều do đây là bộ môn mạo hiểm, cần đam mê và điều kiện kinh tế.
Các câu lạc bộ dù lượn được thành lập dưới sự quản lý của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Giấy phép bay do Cục Tác chiến, bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng cấp. Trong các ngày có hoạt động bay, các câu lạc bộ phải thông báo với Trung tâm quản lý điều hành bay của khu vực.
Ban đầu Yến học khá chậm, khó nắm bắt được kỹ thuật qua lý thuyết hay xem video. Cô buộc mình phải thực hành nhiều, mắc ở đâu thì hỏi. Người khác chỉ học vào cuối tuần, cô học suốt cả tháng.
Với người chơi dù lượn, để bay được lâu và xa cần đón được các cột khí nóng. Tìm ở đâu lại là kinh nghiệm riêng của mỗi phi công, nhưng thường căn cứ vào địa hình bên dưới hay hình dạng, tính chất của những đám mây. Ví dụ giữa dãy núi xanh rì bỗng có một điểm trọc, giữa hồ nước có một tảng đá to, khả năng cao điểm này sẽ hấp thụ nhiệt tạo ra các cột khí nóng. Người chơi điều khiển dù bay ra khu vực này, đồng thời phân tích hướng gió để xác định cột khí chệch theo phương nào.
Thời gian đầu, Yến xác định được cột khí nóng nhưng khả năng điều khiển dù còn kém nên không đi được vào lõi, thành tích không cao. Dần dần kỹ năng tốt hơn, cô không còn quay gắt, mà có thể quay vòng rộng, quay hình bầu dục, đổi hướng linh hoạt. "Đây là một bộ môn cần óc phán đoán và chiến thuật", cô nói.
Tháng 11/2019, Hải Yến cùng 5 phi công Việt đi Australia để tìm kiếm kỷ lục cá nhân. Thời tiết ở đất nước chuột túi giúp các phi công bay cao và lâu hơn ở Việt Nam. Lần này, trong đoàn đã có một phi công nam đạt thành tích 225 km, phá kỷ lục một người Việt từng đạt được năm 2014.
Mấy ngày đầu Yến bay chỉ được 50 km đã "rụng". Đến ngày thứ tư, cô bay được 241 km trong gần 6 tiếng, ở độ cao 2.000-2.500 mét, vượt qua tất cả các kỷ lục phi công dù lượn người Việt từng đạt được. Thành tích này dựa trên tracklog mà cộng đồng dù lượn quốc tế dùng để ghi lại đường bay mỗi chuyến bay của mình, hiển thị trên trang World Xcontest.
"Mình nghĩ là do may mắn", Yến nói. Xuất phát từ thị trấn Deniliqin ở bang New South Wales, cô đã bay qua những nông trại bạt ngàn, những sa mạc và thành phố. "Bầu trời hôm đó cao đẹp, nhìn thấy cả đường viền của trái đất, cảm giác siêu thực như đang ngoài vũ trụ", cô kể.
Dù vậy, kỷ niệm đẹp nhất với cô là chuyến bay tại Giải dù lượn PuTaLeng mở rộng, ở tỉnh Lai Châu năm 2020. Đây là lần thứ tư giải được tổ chức, thu hút gần một trăm phi công trong nước và quốc tế. Cuộc thi không tính độ dài chuyến bay mà có bài thi theo từng ngày. Hải Yến đạt nhất nữ, còn chồng cô, phi công dù lượn Vũ Tuấn Dũng đạt nhất chung cuộc.
Cuộc thi kết thúc, đoàn của vợ chồng Yến còn ở lại bay thêm. "Lần này mình như "lên đồng", lập kỷ lục cá nhân 120 km ở PuTaLeng", cô kể.
Chồng là phi công - huấn luyện viên có chứng chỉ P5, bản thân Yến cũng có chứng chỉ P4 nhưng một lần sơ sẩy đã khiến Yến rơi vào vòng nguy hiểm. Tết Dương lịch 2020, lần đầu cô bay tại ngọn núi Phu Thap Boek, tỉnh Phetchabun, Thái Lan. Mới xuất phát được 5 km, Yến mải quay hai vòng thì gặp một cơn gió mạnh, bị lệch đường bay, đẩy vào sâu trong núi.
Đầu Yến không ngừng phân tích, hai tay vẫn chỉnh dù nhưng chân run cầm cập không kiểm soát. "Giờ chỉ có cách là ngược chiều gió lao ra, nhưng chắc chắn vẫn sẽ bị rơi xuống, hoặc tiếp tục xuôi theo gió đi sâu vào trong rừng tìm cột khí nóng", cô nghĩ.
Hôm đó là ngày cuối cùng đoàn bay ở đây trước khi về nước. Nếu chẳng may rơi xuống, cô không biết lúc nào mới được tìm thấy. Từng có một nữ động viên dù lượn Việt cũng gặp nạn ở Thái Lan năm 2018. Nghĩ đến con gái nhỏ 3 tuổi, đến chồng, cô càng thêm hoang mang. "Tôi dần bị tụt xuống 100 mét, trong khi độ cao an toàn là 300-500 mét", Yến hồi tưởng.
Bỗng lúc đó, nữ phi công nhìn thấy có một đỉnh núi. Cô cố gắng điều khiển dù lên đó. Bắt được cột khí nóng, dù lên được đẩy lên được độ cao 800 mét. Lúc sau nhìn thấy một con đèo, cô mới thở phào.
"Mình vốn định sẽ hạ cánh, nhưng khi ra ngoài vẫn còn độ cao, nỗi sợ biến mất, mình bay thêm 40 km nữa", cô cười kể.
Có lần nguy hiểm khác như ở Lai Châu, nữ phi công bị rơi vào vùng nhiễu động không khí khiến cả người bị hất văng lên, dù xoắn lại như cravat. Một mặt cô cố thoát khỏi vòng quay tròn, mặt khác xử lý dù đang bị gập.
"Có thể kỹ năng của Hải Yến chưa phải tốt nhất trong giới dù lượn, nhưng hiện cô ấy đang là phi công có thành tích số một Việt Nam", anh Hoàng Mộng Long cho biết.
Bảy năm gắn bó với bộ môn này, trải qua nhiều nguy hiểm và vất vả, song cảm giác tự do trên không trung như chú chim là thứ gây nghiện với Hải Yến.
"Xê dịch trên trời mang đến một cảm giác mà chỉ qua trải qua mới hiểu tuyệt vời thế nào", cô nói.
Phan Dương