Hoàng Thị Minh Hồng nhớ như in, đó là ngày 19/9, "cột mốc lịch sử" đánh dấu con đường khởi nghiệp của cô bắt đầu thành công sau hai năm điêu đứng vì Covid-19.
Trước khi trở về "sống chết" với những bắp ngô của xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng, Hồng từng làm chủ một cửa hàng thực phẩm sạch ở thành phố Lạng Sơn và từ năm 2019 điều hành một công ty du lịch.
Đang hoạt động ổn thì đại dịch ập đến, công ty của cô nằm trong số hàng chục nghìn doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường.
Cô gái 28 tuổi xoay ngang xoay dọc để tìm đường sống. Trong một lần trò chuyện với nhóm xuất khẩu nông sản quen biết từ thời kinh doanh thực phẩm sạch, Hồng nhận được một gợi ý sản xuất và cung cấp mỳ, trong đó có mỳ làm từ ngô để xuất đi các nước châu Âu. Nhu cầu tích trữ đồ khô trong bối cảnh dịch bệnh khiến thị trường bún, mỳ xuất khẩu phát triển mạnh.
Ngô là thứ lương thực nuôi sống người Nùng ở Hữu Lũng và đưa ba chị em Hồng đến giảng đường đại học. Trong miền ký ức gian khổ mà êm đềm nhất luôn có bóng dáng những bữa cơm độn, cháo ngô, bánh chông chênh hay bỏng ngô.
"Nghe đến từ mỳ ngô, trong tôi như có một tiếng gọi xa xưa vọng lại. Tôi từng mơ ước làm ra một sản phẩm có 'mã vạch' quê hương và tự hỏi liệu đây có phải cơ hội cho mình không", Hồng kể.
Tại châu Âu, dòng mỳ pasta làm từ ngô canh tác tự nhiên là sản phẩm cao cấp, một phần vì trong ngô không có gluten - một chất mà những người theo trường phái ăn uống lành mạnh (healthy) cố tránh. Càng nghiên cứu, Minh Hồng càng thấy mỳ ngô có tương lai. Sau hai tuần lên kế hoạch, cô để chồng con ở lại thành phố, về quê cách đó 100 cây số.
Minh Hồng cùng em gái liên hệ nhập khẩu dây chuyền máy móc từ nước ngoài, xây nhà xưởng, lên kế hoạch trồng ngô cũng như hoàn thiện các thủ tục pháp lý... Trong vụ ngô hè thu năm ngoái, cô kêu gọi họ hàng trồng giống ngô bản địa, không biến đổi gene và sử dụng phân trâu, bò, dê thay thế cho phân bón hóa học và không dùng thuốc diệt cỏ. Riêng gia đình Hồng tập trung xây dựng nhà xưởng sản xuất.
Mỳ, miến vốn là món ăn quen thuộc của người Việt. Gia đình Hồng cũng từng làm bún gạo để ăn. Ban đầu cô cứ nghĩ làm mỳ ngô cũng tương tự nhưng khi bắt tay vào thực tế thì khác hoàn toàn.
Mẻ đầu tiên, ngô không ra sợi, chỗ sống chỗ chín. Bản chất ngô không kết dính được như gạo, cứ bở bùng bục. Hồng nghĩ vấn đề tại bột sống nên mẻ sau cần phải làm sao cho chín. Cô chỉnh lại máy, làm lại bột, lần này thành phẩm là những cục cứng ngoắc. Nhìn 40 kg ngô cho ra thành phẩm không khác gì đá tảng, ông Hoàng Văn Hoa, bố Hồng thở dài: "Ném trâu còn chết".
Cứ thế cải tiến dần dần, từ cục to ra cục bé hơn, rồi ra sợi đứt gãy. Bao ngày đêm cả nhà dồn tâm sức vào, cuốn sổ của Hồng ghi chi chít từng mẻ mà không có dấu hiệu khả quan.
Giữa lúc đó, những tai nạn không ngừng ập đến. Trong một lần ông Hoa đang hàn lại máy ép sợi thì bị vập mu bàn tay vào thanh sắt, máu túa ra. Mấy mẹ con hốt hoảng đưa bố đi cấp cứu.
Minh Hồng vẫn phải vừa lo cho bố, vừa lo mẻ bột còn dang dở. Cô nhờ người em chồng có kinh nghiệm cơ khí đến sửa. Vẫn chiếc máy đó và mối hàn đó, người em bị bập ngón chân vào. Lần này máu đổ nhiều hơn. "Những ngày đó tôi không thể ngủ được. Tôi lo quá tam ba bận, nhỡ có chuyện gì xảy ra nguy hiểm hơn nữa", cô bộc bạch.
Hồng quyết định múc bỏ bột, dừng sản xuất vài tuần để người thân tĩnh dưỡng và cũng để cho bản thân cơ hội trấn an. Khi bố khỏe, cô thuê thêm vài thợ về cùng vận hành lại xưởng. Việc này tưởng đã êm thấm, không ngờ chừng một tháng sau khi đang thao tác máy bón mì tự động, ông Hoa bị tay cầm máy đập vào mắt trái, khiến mắt sưng vù, nước mắt chảy ra liên tục. Lần này ông nằm viện mất cả tháng.
"Tôi thực sự nản. Tôi dằn vặt bởi suy nghĩ vì mình mà người thân cũng lâm vào con đường khó khăn", Hồng bộc bạch.
Nhớ lại thời điểm đó, ông Hoa cũng nhận ra tâm trạng của con gái cả. Sau tai nạn này Hồng bảo bố mẹ dừng một thời gian hãy làm, ông Hoa động viên con: "Cố làm nốt đợt này rồi đợi mẻ ngô mới".
Một tối cuối xuân 2021, Hồng ra kiểm tra chậu bột, ngửi thấy thơm như mùi hoa quả lên men. Cô ngạc nhiên vì chưa lần nào ủ bột ra được mùi như thế. Cô rối rít gọi mẹ xem có phải "mũi mình có vấn đề".
Bà Nhung bốc nắm bột đưa gần mũi. Một mùi thơm dịu ngọt hấp dẫn, khác hoàn toàn mùi nồng của các lần trước. Quá đỗi vui mừng, hai mẹ con ôm chầm lấy nhau nhảy cẫng.
Sự thay đổi trong mẻ bột lần này đánh dấu bước ngoặt trong quá trình nghiên cứu và đưa các công đoạn vào guồng. Từ đây gia đình tiếp tục cải tiến sợi mỳ và màu sắc. Đến tháng 7, tức sau gần một năm thử nghiệm với hơn một trăm lần thất bại và 5 tấn ngô bị đổ bỏ, gia đình Hồng đã tạo ra được những sợi mỳ mềm mịn, dẻo dai mà vẫn giữ được vị ngô thơm bùi.
Sản phẩm chính thức đưa ra thị trường vào ngày 8/8. Giá mỗi kg mỳ ngô là 258.000 đồng, đắt hơn nhiều so với mỳ gạo nhưng vẫn thu hút được khách hàng ăn uống healthy, đặc biệt người muốn giảm cân.
Ông Lại Văn Thơm, chủ tịch xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng chia sẻ, trong xã có một số thanh niên về quê làm kinh tế nhưng thường chỉ tập trung vào mở trang trại chăn nuôi. Minh Hồng là người duy nhất lập hợp tác xã quy mô lớn, tương lai sẽ giúp giải quyết việc làm cho bà con và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Nếu như hai vụ trước chỉ có vài hộ, từ vụ này cô đang làm việc với chục hộ trồng ngô trong những thung lũng. Ngô được canh tác tự nhiên nên sản lượng không cao như trước, nhưng Hồng thu mua cao hơn thị trường nên bà con hứng khởi.
Từ lúc sản phẩm ra mắt thị trường tới nay, gần như mỗi ngày Hồng đều được tiếp thêm sức mạnh từ những phản hồi của khách hàng. Tuần trước, một khách hàng ở Hà Nội đã cảm ơn cô vì đã tạo ra "sản phẩm tuyệt vời từ những điều bình dị cũ kỹ". Vị khách kể, những sợi mỳ làm từ ngô của Hồng đã gợi lại cho họ những năm tháng đói khổ, những bát cơm độn ngô khi chum gạo nhà đã hết.
"Mỗi lần ăn mỳ, chị thấy những điều xưa cũ ấy sống dậy, mang lại một cảm giác vừa như động lực cho hiện tại, vừa khiến mình thấy bình an", người khách nói.
Phan Dương