Minh Anh còn đỗ thạc sĩ ngành này tại Đại học Thanh Hoa. Đây là hai đại học hàng đầu Trung Quốc, lần lượt ở vị trí thứ 14 và 20 thế giới, theo bảng xếp hạng đại học QS 2025.
"Dù đã qua một tháng, mình vẫn chưa hết sung sướng vì đỗ cao như vậy", Minh Anh kể. "Mình chọn Đại học Bắc Kinh vì cảm nhận chương trình chú trọng vào nghiên cứu liên ngành và tính đa văn hóa, ứng dụng thực tế".
Minh Anh là cựu học sinh trường THPT Kim Liên, Hà Nội. Hết cấp ba, cô học Quan hệ quốc tế ở Đại học Gadjah Mada, Indonesia, bởi được học bổng toàn phần.
"Khi ấy, điều kiện gia đình không khá giả nên học phí là yếu tố mình quan tâm nhất khi chọn trường du học", nữ sinh cho biết.
Trong bốn năm đại học, Minh Anh được thực tập tại các cơ quan chính phủ, tham gia nhiều dự án nghiên cứu với thầy, cô ở khoa, cũng như trao đổi, giao lưu văn hóa với bạn bè quốc tế.
"Những trải nghiệm như vậy đã giúp mình có góc nhìn mới, muốn tiếp tục theo đuổi ngành học này ở bậc thạc sĩ", Minh Anh nói. Cô chọn Trung Quốc, đất nước cô được nghe kể nhiều từ bé và luôn muốn đặt chân tới.
Nữ sinh cho hay từ năm thứ hai đã lên kế hoạch học tập, sau đó hoàn thiện hồ sơ để ứng tuyển vào cuối năm ngoái. Hồ sơ ứng tuyển gồm sơ yếu lý lịch (CV), bảng điểm chính thức, chứng nhận tốt nghiệp, bài luận cá nhân, bản phương hướng nghiên cứu, thư giới thiệu, chứng chỉ ngoại ngữ và các chứng nhận hoạt động xã hội, ngoại khóa hoặc nghiên cứu.
Minh Anh nhìn nhận hồ sơ của mình nổi bật vì các hoạt động thực tập bám sát chuyên ngành. Ban đầu, cô đặt mục tiêu tham gia nhiều hoạt động câu lạc bộ trong trường. Tuy nhiên, các bạn đều sử dụng tiếng Indonesia khiến Minh Anh lúng túng, không thể bắt kịp. Nhận ra đây không phải thế mạnh và không phù hợp với định hướng đã đề ra trong hồ sơ, Minh Anh nhanh chóng thay đổi.
Cô tập trung tham gia các dự án sử dụng tiếng Anh của giảng viên, thực hiện nghiên cứu, khảo sát và trở thành trợ giảng cho họ. Năm ngoái, Minh Anh thực tập tại Ban thư ký ASEAN. Cô chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ nhất là được tham gia tổ chức Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AMM Retreat). Những kinh nghiệm này đã giúp Minh Anh nâng cao kỹ năng chuyên ngành, giao tiếp, trở thành một điểm sáng trong hồ sơ của cô.
Bên cạnh đó, Minh Anh đạt điểm trung bình học tập 3.85/4. Theo cô, để đạt kết quả này, phương pháp học tập hiệu quả là tập trung nghe giảng trên lớp và chủ động đọc thêm tài liệu để mở rộng kiến thức. Ngoài ra, cô sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ IELTS 8.0 và HSK 4 (chứng chỉ Hán ngữ quốc tế, gồm 6 bậc).
"Trường chỉ yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh nhưng mình học thêm HSK để thể hiện thái độ nghiêm túc với việc học ở Trung Quốc", nữ sinh cho biết.
Cùng thời điểm, Đại học Thanh Hoa cũng mở đăng ký xét tuyển, với những yêu cầu tương tự. Dù Thanh Hoa không yêu cầu ứng viên nộp bản phương hướng nghiên cứu và CV, Minh Anh vẫn bổ sung vì cho rằng nếu thiếu đi phần này, hồ sơ không thể hiện được toàn bộ năng lực và định hướng cá nhân.
Cô đánh giá vòng phỏng vấn của Đại học Bắc Kinh khó hơn. Nhờ ôn tập chắc chắn các phần kiến thức chuyên ngành, đọc kỹ lại bài luận để nhất quán khi trả lời, nữ sinh vượt qua vòng này.
Trong thư giới thiệu, GS Poppy Sulistyaning Winanti, khoa Khoa học Chính trị Xã hội, trường Đại học Gadjah Mada, nhận xét Minh Anh chăm chỉ, nghiêm túc trong học tập.
"Minh Anh rất mạnh mẽ, có tố chất lãnh đạo, ý chí quyết tâm cao. Em luôn sẵn sàng học hỏi và trau dồi kiến thức, kinh nghiệm; chủ động giao lưu với bạn bè quốc tế", trích thư.
Từ trải nghiệm của mình, Minh Anh cho rằng các ứng viên nên chủ động tìm hiểu thông tin học bổng, quy trình ứng tuyển trên website của các trường từ sớm để có thông tin chính xác và chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ chu đáo nhất.
Ngoài ra, với ngành Quan hệ quốc tế, ứng viên cần kịp thời cập nhật các thông tin thời sự quan trọng để vận dụng trả lời những câu hỏi ứng dụng thực tiễn trong phần phỏng vấn.
Minh Hòa - Nguyệt Minh