Cô gái đến Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) để sửa chữa chiếc mũi bị hỏng sau khi tiêm filler. Theo bác sĩ, bệnh nhân có biểu hiện méo cằm, lệch má, mũi bị chèn ép hình thành ổ mủ, vết bầm tím lan rộng, tắc mạch nguy cơ cao hoại tử.
Theo tiến sĩ Phạm Cao Kiêm, Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh nhân được tiêm hyaluronidase để hóa giải filler giải phóng chèn ép và thông lòng mạch máu. Tiên lượng việc điều trị sẽ rất khó khăn vì chất làm đầy đã xâm nhập vào mạch máu, phá hủy tế bào của bệnh nhân.
Theo tiến sĩ Kiêm, tiêm chất làm đầy là thủ thuật không phức tạp, song nếu người thực hiện không phải là bác sĩ thì dễ dẫn đến biến chứng. Như trường hợp trên, cô gái đến một spa để tiêm filler, người thực hiện thủ thuật chỉ là nhân viên của spa.
Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận nhiều trường hợp bị biến chứng ở mũi sau tiêm filler. Trong đó, có bệnh nhân chóp mũi đã bị hoại tử, nhiều ổ mủ, sưng nề tiết dịch.
Filler là chất làm đầy có hoạt chất sinh học. Chúng được tiêm vào dưới da sẽ thấm hút nước phồng lên tăng thể tích, có tác dụng làm căng bề mặt da, cho làn da bóng, đẹp. Do đó filler được sử dụng để nâng mũi, căng da mặt, bơm môi, làm cằm... Khoảng 12 tháng sau tiêm, chất này đào thải ra ngoài và phải tiêm lại nếu muốn duy trì kết quả thẩm mỹ.
Một chất lạ như filler đưa vào cơ thể có thể gây phản ứng như dị ứng, viêm. Tiêm các chất làm đầy không đảm bảo chất lượng, trôi nổi, không đảm bảo vệ sinh có thể gây bội nhiễm, nhiễm trùng vùng tiêm. Bác sĩ khuyến cáo nên tiêm chất làm đầy ở các cơ sở y tế có uy tín và được cấp phép. Bạn cũng cần được bác sĩ tư vấn biến chứng có thể xảy ra và hướng xử trí khi cần thiết.