Hoàng Lê Gia Bảo, cựu học sinh chuyên Hóa, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Khánh Hòa, sẽ theo học ngành Kinh tế tại Berea College, từ tháng 8 tới. Theo US News, trường xếp hạng 30 đại học khai phóng tốt nhất Mỹ, với các khoản phí hơn 62.000 USD (1,6 tỷ đồng) mỗi năm.
"Kết quả này như một giấc mơ", Bảo, 19 tuổi, nói.
Năm ngoái, Bảo từng giành học bổng một trường ở Mỹ, chỉ còn phải đóng 9.000 USD (hơn 227 triệu đồng) mỗi năm. Khi chuẩn bị làm visa du học, gia đình gặp biến cố nên em phải bỏ cơ hội này. Mọi người khuyên Bảo học ở Việt Nam, song em chọn "gap year" để toàn tâm chuẩn bị hồ sơ, mục tiêu là giành học bổng toàn phần.
Nữ sinh nói khi đó, họ hàng bàn tán, trách em không biết "liệu cơm gắp mắm", đua đòi du học khi không có điều kiện. Bảo phải đấu tranh tâm lý, cuối cùng vẫn quyết định thử sức.
"Em may mắn có mẹ ủng hộ và khuyến khích theo đuổi ước mơ", Bảo kể.
Lúc Bảo quyết định "gap year" đã là tháng 5/2023, tức còn khoảng 5 tháng nữa là đến kỳ tuyển sinh sớm của đại học Mỹ. Bảo xác định điểm trung bình học tập (GPA) 8,9 không thể thay đổi, chỉ còn cách cải thiện điểm SAT (bài thi chuẩn hóa dùng xét tuyển đại học ở Mỹ) và bài luận.
"Muốn xin học bổng toàn phần, điểm SAT cần thật cao", Bảo nhìn nhận. Em đăng ký khóa luyện thi SAT trên mạng, mua sách và tìm thêm tài liệu để học. Lớp học diễn ra 2 buổi/tuần nhưng khoảng chục ngày trước ngày thi, Bảo học 1-2 buổi/ngày.
"Buổi học thường bắt đầu lúc 12h đêm và 5h sáng, để phù hợp với các bạn đang học lớp 12", Bảo kể. "Ngoài giờ học online, em tự cày đề".
Sau hai lần thi vào tháng 8 và tháng 10 năm ngoái, Bảo đạt 1510/1600 điểm superscore (lấy điểm thành phần cao nhất trong những kỳ SAT đã thi để gộp lại thành điểm tổng).
Vì nộp hồ sơ vào 40 trường, Bảo phải viết 70 bài luận. Nữ sinh nói các bài không quá dài, tầm 300 từ, và chủ đề lặp lại như hỏi về ngành học, hoạt động ngoại khóa và giá trị cốt lõi. Do đó, em không mất công tìm ý tưởng nhiều, chỉ thay đổi cách viết cho phù hợp với từng trường. Nữ sinh không gặp khó còn bởi có vốn tiếng Anh tốt, thường xem phim, nghe nhạc và đọc báo nước ngoài.
Riêng ở trường Berea, Bảo phải viết một bài luận phụ dài 2-5 trang (1.000 từ trở lên). Trường yêu cầu ứng viên kể câu chuyện khiến họ thay đổi cuộc đời.
Bố mẹ Bảo ly hôn. Bảo kể từ nhỏ thiếu thốn tình thương của bố. Dù khó khăn, mẹ em luôn cố gắng bù đắp, mong con bước ra thế giới, được trải nghiệm và sống vui. Chính tình yêu của mẹ đã tác động đến nhận thức, giúp Bảo không đi chệch hướng.
Qua bài luận, Bảo cho thấy mình có nhiều tình yêu thương, có ý chí và sự quyết tâm, dẫu gia đình không toàn vẹn.
"Em muốn trở thành chiến binh để cùng mẹ chiến đấu cho hạnh phúc. Vũ khí em chọn là giáo dục", Bảo nói.
Bận rộn với bài luận và học SAT nhưng Bảo vẫn làm gia sư tiếng Anh vì muốn kiếm thêm thu nhập và tránh trì trệ. Ngày cấp ba, em tổ chức nhiều hoạt động trong trường, làm trưởng ban dự án online về người trẻ và giáo dục giới tính. Trong thời gian "gap year", Bảo cùng cựu học sinh của trường làm chương trình hướng nghiệp cho các em khóa dưới.
Chị Lâm Thị Hoa, mẹ Bảo, cho hay khi đỗ, con gái mới kể cho chị biết bài luận viết về gia đình. Chị càng thương con vì chịu nhiều thiệt thòi suốt thời thơ ấu.
"Kết quả là phần thưởng xứng đáng cho sự phấn đấu của Bảo", chị Hoa nói. "Cả nhà từng gần như tuyệt vọng khi hàng loạt trường gửi thư từ chối trước đó".
Anh Nguyễn Ngọc Khương, cố vấn của Bảo, đánh giá hồ sơ của nữ sinh ổn, song chưa quá mạnh. Bảo trúng tuyển vì đã chịu khó đầu tư vào các bài luận và thể hiện mình qua các hoạt động xã hội suốt 4 năm qua.
"Sự trưởng thành của Bảo qua trải nghiệm trong gia đình đã giúp em ấy thuyết phục được hai trường Mỹ cho học bổng toàn phần", anh Khương nhận xét.
Bảo dự định học xong sẽ làm ở Mỹ một thời gian, sau đó về nước lập nghiệp.
"Mỗi chúng ta mới là người quyết định cuộc đời mình. Hãy tin vào bản thân và không ngừng nỗ lực. Em và mẹ đã chứng minh quyết định gap year là đúng đắn", Bảo chia sẻ.
Bình Minh