Nguyễn Thị Trà, 25 tuổi, điều phối viên quan hệ quốc tế đầu tiên của thành phố Funabashi, thuộc tỉnh Chiba, được chính phủ Nhật Bản vinh danh là một trong 40 gương mặt trẻ tiêu biểu, thế hệ đại diện dẫn dắt tương lai Nhật - Việt.
Sinh ra và lớn lên tại Nghệ An, từ thời phổ thông, Trà đã yêu thích và tự mày mò học tiếng Nhật qua các bộ phim hoạt hình. Cô thi đỗ Đại học Ngoại thương và quyết tâm theo học tiếng Nhật, rồi giành chiến thắng trong cuộc thi hùng biện tiếng Nhật Nassic Cup và được lần đầu du lịch tới đất nước này năm 2018.
Trong chuyến đi đó, Trà và bạn đồng hành bị lạc khi bỏ lỡ chuyến tàu điện ngầm cuối cùng tại Shinjuku, Tokyo và đã được một phụ nữ Nhật tận tình giúp đỡ, đưa về khách sạn an toàn. Lòng tốt của người phụ nữ Nhật Bản xa lạ khiến Trà xúc động và càng thêm tò mò về văn hóa Nhật Bản.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Trà gửi hồ sơ tới đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, ứng tuyển và được nhận làm điều phối viên quan hệ quốc tế ở Funabashi, với nhiệm vụ chính là gắn kết hai cộng đồng Nhật - Việt tại thành phố có gần 4.000 người Việt sinh sống.
Đến tòa thị chính Funabashi nhận vị trí mới vào tháng 8/2022, Trà bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ tổ chức lễ hội văn hóa quốc tế sẽ diễn ra hai tháng sau đó. Cô đã gấp rút kêu gọi cộng đồng người Việt sinh sống tại Funabashi giúp đỡ và đã được mọi người hỗ trợ tận tình, giúp ngày hội văn hóa diễn ra suôn sẻ với hơn 70 người Việt tham dự trình diễn áo dài.
Cảm kích trước tinh thần cộng đồng, Trà càng quyết tâm đưa nhiều hình ảnh, nét đẹp văn hóa của Việt Nam tới người Nhật hơn. Đến nay, cô đã tham gia, tổ chức hơn 10 hoạt động, sự kiện giao lưu để quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam tới người dân tại thành phố Funabashi.
Một hoạt động nổi bật khác của Trà là giảng dạy văn hóa Việt tại trường đại học cho người cao tuổi ở Funabashi. Mỗi lớp học ở đây có khoảng 60 học viên cao niên, người trẻ nhất 60 tuổi, người cao nhất gần 90 tuổi.
"Có cụ biết rõ văn hóa nước ta, nhưng cũng có những cụ hoàn toàn không biết, còn nghĩ rằng Việt Nam đang trong thời chiến", cô kể. "Giờ giải lao, các cụ thường lên đặt câu hỏi với giảng viên, có người kể hồi trẻ từng đi biểu tình phản đối chiến tranh ở Việt Nam, có người thán phục trước sự phát triển của nước ta từ khi hòa bình lập lại".
Là gương mặt trẻ tiêu biểu dẫn dắt tương lai Nhật - Việt, đảm nhiệm vai trò xây dựng hình ảnh Việt Nam trong mắt người bản địa, Trà là một trong những trí thức đại diện các thế hệ người Việt gặp gỡ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khi lãnh đạo Việt Nam thăm Nhật Bản hồi cuối tháng 11. Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã bày tỏ mong muốn kiều bào trẻ tại Nhật tạo dựng niềm tin yêu của cộng đồng sở tại, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho quan hệ song phương.
Trong bối cảnh cộng đồng Việt Nam tại Nhật Bản đang phát triển nhanh chóng với khoảng 520.000 người, truyền thông nước này thường đưa tin về những "hành vi xấu xí" của người Việt ở nước sở tại, nhưng Trà cho hay không ít trường hợp xảy ra do khác biệt về văn hóa, đời sống sinh hoạt giữa hai nước.
"Một số người Việt có thể chưa hiểu hết về văn hóa Nhật, như hành vi chở theo hai người bằng xe đạp hay hái quả dại trên đường ở Việt Nam là bình thường, nhưng ở đây thì bị cấm", Trà cho biết, thêm rằng trong những buổi giảng về văn hóa Việt, cô đều cố gắng giải thích điểm khác biệt văn hóa này với các cụ già. Cô mong muốn họ thông cảm với những người chưa hiểu rõ văn hóa bản địa, nhắc nhở nhẹ nhàng khi thấy có người Việt vi phạm.
Trà cũng mong muốn thúc đẩy thêm nhiều thành phố kết nghĩa giữa Việt Nam và Nhật Bản, sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
"Việt - Nhật hiện có các cặp thành phố kết nghĩa Hà Nội - Fukoka, TP HCM - Osaka, Saijo - Huế, nơi có điều kiện thúc đẩy giao lưu trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, nhưng chưa nhiều như các thành phố kết nghĩa giữa Nhật với châu Âu. Funabashi chưa kết nghĩa với thành phố nào của Việt Nam, tôi sẽ nỗ lực hết mình để thực hiện hóa giấc mơ này", Trà nói.
Đức Trung