Nguyễn Đỗ Thu Phương, sinh viên ngành Điều dưỡng của Viện Khoa học sức khỏe VinUniversity, hôm 17/2, thức dậy từ 1h30 để đợi email của trường Y Harvard. Nhìn thấy thư mở đầu bằng dòng chữ "congratulations" (chúc mừng), Phương vỡ òa, gọi cả nhà để báo tin vui.
"Gia đình, bạn bè đều bất ngờ vì chỉ biết mình định du học Mỹ chứ không nghĩ là nộp đơn vào Harvard", Phương chia sẻ.
GS David Bangsberg, Viện trưởng viện Khoa học sức khỏe, là người viết thư giới thiệu và giúp đỡ Phương luyện phỏng vấn. Thầy nói vô cùng tự hào khi biết tin cô nữ sinh tham vọng và không ngại thử thách được nhận vào ngôi trường hàng đầu thế giới.
"Tôi rất mừng khi Phương được nhận. Bạn ấy là một người nhỏ bé muốn quan sát và thay đổi thế giới", GS David nói.
Ngành Phân phối y tế toàn cầu ở trường Y Harvard là nguyện vọng duy nhất cựu học sinh trường THPT chuyên Bảo Lộc (Lâm Đồng) khi định du học. Harvard nằm trong nhóm 8 đại học tinh hoa của Mỹ (Ivy League), đều ở vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng đại học toàn cầu năm 2024 của QS và THE. Ngành học mà Phương trúng tuyển hướng đến chăm sóc y tế cho các cộng đồng người yếu thế.
Sau khi trúng tuyển, Phương gấp rút hoàn thiện hồ sơ để xin hỗ trợ tài chính và học bổng. Theo thông báo của trường, cô sẽ bắt đầu học kỳ mùa thu vào ngày 29/8.
Học lực tốt, luôn hoàn thành bài tập sớm, Thu Phương trải qua năm thứ nhất ở đại học với kết quả xuất sắc, nằm trong top đầu của lớp. Hai năm tiếp theo, sau nhiều nỗ lực nhưng không đạt kết quả như mong đợi, Phương dần bị áp lực, mất phương hướng. Cô không thể tập trung vào việc học khiến điểm trung bình thấp, thậm chí có lúc bét lớp. Một thời gian dài, nữ sinh thường xuyên nghỉ học.
Thời điểm gần tốt nghiệp, trong khi chưa có định hướng nghề nghiệp, Phương mới nhận ra cần phải làm gì đó để vực dậy bản thân. Cô gửi email đến thầy giám đốc chương trình điều dưỡng để chia sẻ vấn đề mình gặp phải.
"Nếu em tiếp tục để bản thân như vậy, sẽ rất đáng tiếc cho tương lai một học sinh có tiềm năng như em", câu nói của thầy khiến Phương thức tình. Cô nhận ra dù bỏ bê bản thân đã lâu nhưng vẫn có người quan tâm, tin tưởng. Vì thế, trong thư trả lời, Phương nói sẽ tập trung học trở lại và du học thạc sĩ. Khi đó là tháng 7/2023, chỉ cách thời điểm bắt đầu mở đơn hai tháng.
Câu chuyện này cũng được cô đưa vào bài luận chính trong hồ sơ ứng tuyển Harvard. Trong 500 chữ, Thu Phương còn viết về động lực tìm lại chính mình từ lời phát biểu khai giảng năm đầu tiên: "Nếu em nghỉ ngơi dù chỉ một ngày, thời gian những người đợi em giúp đỡ sẽ kéo dài thêm một ngày".
Bản thảo đầu tiên của Phương lên tới 1.300 chữ, dù đã có dàn bài từ trước. Vì thế, cô phải chắt lọc từ ngữ nhiều lần để viết đúng dung lượng yêu cầu.
Tuy nhiên, khi chuyển sang 4 bài luận phụ, cũng với 500 chữ, hỏi kỹ hơn về chuyên ngành và định hướng nghề nghiệp, Thu Phương lại cảm thấy áp lực. Khi đó, hạn nộp hồ sơ chỉ còn khoảng một tuần. Cô định bỏ cuộc vì lịch học ở trường dày, điểm trung bình học tập ở mức 3.49/4, trong khi theo nhiều thống kê, điểm số này của các tân sinh viên Harvard lên tới 3.91. Được sự ủng hộ của gia đình, bạn bè, Phương quyết tâm quay lại, tập trung viết để nộp cho kịp chứ không chỉnh sửa nhiều.
Trong câu hỏi về kinh nghiệm làm việc với người yếu thế, cô chia sẻ câu chuyện làm thiện nguyện ở một bản làng tại Sapa và nhận thấy ảnh hưởng tâm lý của việc kết hôn sớm với những người phụ nữ H'mông. Cuộc sống khép kín trong bản làng, coi kết hôn sớm là chuyện tất yếu khiến họ chịu nhiều áp lực, không nhận ra cơ hội học tập để cải thiện cuộc sống. Từ đó, cô bày tỏ mong muốn những gì học được tại Harvard có thể giúp kết hợp tri thức y tế và giáo dục để trở lại Việt Nam tham gia các dự án về sức khỏe tâm thần, dùng tiếng nói của mình để kêu gọi các nguồn lực giúp đỡ cộng đồng.
Ngoài ra, hồ sơ còn yêu cầu sơ yếu lý lịch, bảng điểm đại học, bản trình bày kinh nghiệm làm việc, ba thư giới thiệu và điểm bài thi chuẩn hóa. Ban đầu, Phương định thi GRE, bài thi tương tự SAT dành cho bậc sau đại học, nhưng gặp vướng mắc ở phần tư duy ngôn ngữ.
"Có một dạng bài chọn từ điền vào chỗ trống. Các từ đó mình ít gặp, lại có nghĩa tương đối giống nhau nên khó phân biệt. Dù đã in ra hàng nghìn từ để học, đến khi làm bài, mình vẫn không hiểu nổi", Phương kể, thừa nhận tiếng Anh chưa bao giờ là thế mạnh dù học chuyên Anh từ cấp 3. Khi tìm hiểu kỹ, Phương thấy đây là yêu cầu không bắt buộc nên bỏ ôn thi, chuyển sang luyện tập phỏng vấn.
Từng làm ở phòng tuyển sinh của trường, Phương đã phỏng vấn thử và nhận xét cho các em học sinh cấp 3 muốn vào trường nên cô đặt mình vào vị trí người tuyển để chuẩn bị câu hỏi và trả lời.
"Đó cũng là lý do mình không quá căng thẳng khi phỏng vấn với hội đồng tuyển sinh của Harvard", cô chia sẻ.
Phương đang dồn sức hoàn thành những môn học cuối cùng trước khi sang Mỹ. Theo Phương, điều dưỡng là ngành vất vả, lịch học dày đặc mà phải di chuyển giữa trường và bệnh viện liên tục, mỗi nơi cách nhau hàng chục km, chưa kể thuật ngữ y học nhiều chỗ khó hiểu. Cô nhớ một lần suýt trượt môn Dược học bởi khó nắm bắt về cơ chế hay lý do sử dụng một loại thuốc nào đó.
"Tuy khó nhưng mình không hối hận khi học điều dưỡng", Phương nói, chia sẻ chọn ngành này để biết cách chăm sóc những người mình yêu thương.
Ngoài ra, Phương tốt nghiệp ngành Kinh tế đối ngoại, trường Đại học Ngoại thương, với điểm 8,7/10. Cô cho hay bản thân luôn đặt ra mục tiêu cao, thậm chí bị mọi người cho là phi thực tế, để âm thầm phấn đấu.
"Mỗi khi mình bắt đầu làm gì, nhiều người hoài nghi liệu con bé này có thật sự đang cố gắng không. Hành trình học bằng kép đại học và trúng tuyển Harvard là minh chứng cho thấy mình đã nỗ lực thế nào", cô nói.
Phương Anh