Huỳnh Thụy Hoàng Yến Anh đỗ ngành Y học cổ truyền với 25,6 điểm ở ba môn Toán, Hóa, Sinh. Quay lại làm sinh viên, Yến Anh nói vẫn hồi hộp nhưng khác tuổi 18, lần này cô có nhiều nỗi lo hơn.
"Tôi suy nghĩ chuyện khoảng cách tuổi tác với bạn bè trong lớp, khả năng tiếp thu kiến thức khi mình đã có tuổi, học phí cũng là vấn đề. Mọi thứ khác xa 18 năm trước", cô nói.
18 năm trước, Yến Anh không chọn thi ngành Y dù bố mẹ đều là dân trong nghề. Cô cho biết một phần vì muốn theo ngành này phải học khối B (Toán, Hóa, Sinh) nhưng đây không phải sở trường, trong khi đó điểm chuẩn thường cao chót vót.
Thời điểm này, kế toán, kiểm toán, quản trị kinh doanh là những ngành hot, được nhiều học sinh lựa chọn. Yến Anh đăng ký thi và đỗ vào ngành Kế toán của trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM.
"Lúc thực tập, tôi thấy môi trường công ty cứng nhắc, gò bó quá, không hợp với mình nhưng lúc đó không có 'gan' chọn lại", Yến Anh nhớ lại.
Sau 12 năm làm tín dụng doanh nghiệp tại ngân hàng và trợ lý giám đốc ở một công ty, cô xin nghỉ vì thấy môi trường làm việc nhàm chán, không còn động lực phấn đấu. Mất một năm loay hoay, Yến Anh nghĩ đến học nghề mới. Cô thừa nhận điều này quá liều lĩnh, vì bạn bè xung quanh đã ổn định công việc, chăm lo con cái.
Khi còn đang suy nghĩ chọn ngành, người bạn thân của cô nhắc "nhà làm nghề Y mà sao không học". Trùng hợp trong khoảng thời gian này, cô trải qua đợt suy nhược, sốt dai dẳng, được trị khỏi bằng đông y.
"Nhiều đêm tôi thức trắng. Học Y rất khó, phải mất ít nhất 10 năm mới thấy thành quả. Liệu mình có theo nổi không?", cô kể.
Sau nhiều băn khoăn, Yến Anh vẫn đăng ký thi vào ngành Y học cổ truyền, "nếu không đỗ sẽ suy nghĩ lại". Yến Anh chỉ báo với mẹ và một vài người bạn thân, không dám tâm sự với nhiều người vì sợ bị bàn tán, khiến nản lòng. Suốt quá trình làm thủ tục dự thi, đăng ký nguyện vọng, mẹ là người nhắc cô từng bước.
Theo Yến Anh, đưa ra quyết định học Y đã khó, việc ôn luyện với một người đã rời xa nhà trường 18 năm còn khó hơn gấp bội. Kiến thức Toán, Hóa, Sinh đã "trôi tuột", cô gần như không còn nhớ những khái niệm như biến dị, di truyền hay tích phân, đạo hàm.
"Trong một tháng đầu, nghe thầy cô giảng mà tôi không hiểu gì, chỉ chép lại bài nên rất nản", Yến Anh kể lại thời điểm mới quay lại ôn thi, hồi tháng 9 năm ngoái. Được thầy cô động viên, cô đọc lại toàn bộ sách giáo khoa ba môn Toán, Hóa, Sinh của bậc THPT để nắm kiến thức cơ bản.
Yến Anh nói tập trung hoàn toàn vào ôn thi, không bị dao động dù thỉnh thoảng nhận được đề nghị công việc. Hàng tuần, ngoài ba buổi học cho mỗi môn, Yến Anh ôn kiến thức theo đề cương rút gọn. Sau ba tháng, cô dần bắt kịp các em lớp 12 và bắt đầu luyện giải đề.
Có lợi thế về thời gian, Yến Anh giải đề trước ở nhà, khi đến lớp chỉ nhờ thầy cô giảng những chỗ chưa hiểu. Câu nào không làm được, cô đều để trống chứ không điền bừa, bởi cho rằng cần để thầy cô biết năng lực mình tới đâu và nên bổ sung những gì.
"Ba môn đều không phải sở trường, nhưng Toán khiến tôi 'trầy da tróc vẩy' nhất. Kiến thức vừa khó vừa nhiều", Yên Anh kể.
Cô Lê Nguyễn Thu Ngàn, giáo viên môn Sinh, trường THPT Lương Thế Vinh, TP HCM, vẫn nhớ cảm giác bất ngờ khi Yến Anh đến xin vào lớp ôn thi.
"Nghe bạn ấy chia sẻ mục tiêu, tôi rất khâm phục. Yến Anh chọn bắt đầu lại khi đang có một công việc tốt, thu nhập ổn định mà nhiều người mong muốn. Không phải ai cũng can đảm như vậy", cô Ngàn nói. Vào ôn thi, Yến Anh thường đi sớm về trễ, chỗ nào chưa hiểu sẵn sàng nhờ các em nhỏ hỗ trợ mà không sợ chê bai. Đôi lúc bận việc gia đình, Yến Anh không xin vắng mà chuyển qua học online cùng lớp.
Cô Ngàn nói tự hào khi học trò đỗ vào trường Đại học Y Dược TP HCM. Còn với Yến Anh, đây là quả ngọt cho sự cố gắng, quyết tâm và là "tín hiệu vũ trụ" cho lựa chọn đúng.
Yến Anh dự định học tập tốt để 6 năm sau có cơ hội thi bác sĩ nội trú. Không dừng lại ở việc học tập, trong lần thứ hai làm sinh viên, cô muốn tham gia nhiều hoạt động phong trào, đội nhóm, làm thêm.
"Cái khó lớn nhất là từ bỏ những gì đang có để làm lại từ đầu mà mình còn làm được thì những chuyện khác chắc chắn sẽ vượt qua", Yến Anh nhìn nhận.
Lệ Nguyễn