An, người Phú Yên, nhận tin gần như cùng lúc vào cuối tháng 12. Trong 4 trường, INSEAD tại Pháp ở vị trí thứ hai trên bảng xếp hạng trường MBA tốt nhất thế giới của QS. Ba trường còn lại là trường Kinh doanh London (LBS) ở vị trí thứ ba, Đại học Cambridge hạng 8 và Oxford xếp hạng 9.
Thuận An chọn trường Kinh doanh London, Anh, nơi cấp học bổng 100% học phí, tương đương 115.000 GBP (hơn 3,5 tỷ đồng). Các trường còn lại cấp cho cô mức 25-50%.
"LBS hấp dẫn mình hơn vì chương trình học được thiết kế linh hoạt và cơ hội kết nối, trải nghiệm, phát triển toàn diện về sau", Thuận An nói, cho biết Anh cũng là điểm đến mơ ước của cô từ lâu. Cô sẽ lên đường nhập học vào tháng 5 tới.
Thuận An là cựu học sinh trường THPT Phan Đình Phùng, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Khao khát du học từ nhỏ nhưng hết cấp ba, An chưa thể thực hiện, một phần vì gia đình không mấy dư dả, bố làm công nhân, mẹ là giáo viên về hưu. Cô sau đó đỗ Đại học Ngoại thương TP HCM, theo đuổi ngành Tài chính quốc tế.
Dù vậy, sang năm thứ ba, An vẫn đau đáu chuyện du học. Biết đến chính sách cho vay của chính phủ Singapore dành cho sinh viên quốc tế, An xin nghỉ ở Ngoại thương và ứng tuyển Đại học Quản lý Singapore (SMU).
"Đó là điểm dồn sau nhiều năm mình quan sát hành trình mọi người xung quanh chạm đến ước mơ của họ. Mình cũng muốn vậy, và ý tưởng này đã nung nấu từ lâu", Thuận An chia sẻ.
Sang Singapore vào tháng 8/2016, Thuận An cầm theo 16 triệu đồng mượn của người dì, cùng một valy đồ đạc. Sau khi trừ học bổng và hỗ trợ, cô còn phải vay nợ 50.000 SGD (khoảng 920 triệu đồng). May mắn, Singapore quy định khoản này có thể trả trong 20 năm sau tốt nghiệp, nên Thuận An không quá lo lắng.
Thuận An vừa đi học, vừa làm thêm nhiều công việc như trợ giảng, nhân viên thư viện, phòng gym. Nhờ nỗ lực và sự hỗ trợ từ cộng đồng sinh viên Việt Nam như trao đổi sách vở, tài liệu, tìm chỗ ở, An dần ổn định cuộc sống.
Sau khi tốt nghiệp năm 2020, An trở thành quản lý mảng kinh doanh tại một công ty tư vấn giải pháp phần mềm và trả hết nợ học phí trong gần hai năm. Hiện tại, cô làm việc cho một công ty có trụ sở tại Mỹ, chuyên cung cấp nền tảng kết nối và bảo mật trên không gian mạng. Vì đặc thù công việc, cô gái người Phú Yên tiếp xúc với nhiều lãnh đạo cấp cao, cũng như nắm bắt được những vấn đề khi vận hành bộ máy của doanh nghiệp. Trong đó, nhiều khó khăn xuất phát từ việc định hình tầm nhìn chiến lược, vận dụng đúng phương pháp và đặt nhân sự vào vị trí phù hợp. Điều khiến An trăn trở là làm sao dung hòa giữa các công cụ và quản lý nhân sự để phát triển hiệu quả và bền vững.
"Mình muốn sau này được đặt bản thân vào vị trí của các nhà lãnh đạo như vậy và tạo ra những thay đổi có ý nghĩa. Việc trang bị kiến thức nâng cao, tư duy, và kinh nghiệm quản trị là điều tất yếu", Thuận An lý giải việc từ bỏ công việc có thu nhập tốt để học MBA.
Theo Thuận An, các trường MBA thường yêu cầu ứng viên trải qua vòng hồ sơ và phỏng vấn. Hồ sơ của An gồm sơ yếu lý lịch (resume), thư giới thiệu, các bài luận và điểm GMAT (Graduate Management Admission Test - bài thi đánh giá năng lực, dùng xét tuyển đầu vào sau đại học ở Mỹ và châu Âu).
An tập trung ôn thi GMAT trong 5 tháng và đạt 720/800 điểm, thuộc mức điểm cạnh tranh khi ứng tuyển vào các trường hàng đầu. Bí quyết của An là tìm ra điểm mạnh, điểm yếu ở các phần thi và dạng câu hỏi cụ thể, tập trung cải thiện điểm yếu, và đầu tư mua báo cáo đánh giá của GMAT để lên kế hoạch ôn thi phù hợp.
Với thư giới thiệu, Thuận An cho rằng các ứng viên nên xin thư từ những người làm việc trực tiếp và hiểu rõ về đặc thù công việc, năng lực và cả tố chất của mình. Vì ngoài thư, trường sẽ kiểm tra lại bằng các câu hỏi bổ sung, để hiểu rõ hơn góc nhìn của người cho thư.
Trong resume, Thuận An nhận thấy nhiều ứng viên hay liệt kê công việc từng làm mà quên nhấn mạnh ảnh hưởng tới công ty. Cô thể hiện điều này bằng cách lượng hóa vai trò của mình qua các con số cụ thể. Ngoài ra, An đề cập sở thích, tính cách với hy vọng làm nổi bật mình trong hàng nghìn hồ sơ.
"Chẳng hạn, mình viết rằng thích đi chạy bộ, chơi bóng bàn và biểu diễn hòa nhạc ở trường. Đây là những chi tiết nhỏ, nhưng khá quan trọng để hội đồng đánh giá ứng viên ngoài học thuật và công việc", An nhận định.
Bài luận khiến An trầy trật nhất. Trường Kinh doanh London yêu cầu 5 bài, gồm hai bài dùng xét tuyển và ba bài để xét học bổng.
Trong hai bài đầu, một bài yêu cầu ứng viên trình bày mục tiêu nghề nghiệp và lý do muốn học MBA tại trường, bài còn lại để ứng viên tùy chọn chủ đề. Ba bài luận dùng để xét học bổng hỏi An về tình hình tài chính và ảnh hưởng tới các giai đoạn trong cuộc đời, kế hoạch tương lai.
Trước khi viết, An lên đề cương. Ở từng dấu mốc, cô ghi chép lại những điều mình đã trải qua, thành tựu đạt được và cả những khoảnh khắc khiến cô thay đổi suy nghĩ, ra quyết định. An nghĩ cách này tiết kiệm thời gian vì chỉ cần chọn lọc chi tiết đắt giá và sắp xếp chúng thành một câu chuyện mạch lạc.
Để thuyết phục, Thuận An cho rằng nên kể câu chuyện ảnh hưởng lớn đến bản thân và chọn ra ký ức mạnh mẽ nhất để viết. "Khi bạn mở lòng và tâm sự những câu chuyện sâu trong lòng thì đó là lúc bạn tạo ra sự tin tưởng lớn nhất", An nói.
Ở bài luận đầu tiên, An kể về hành trình tìm kiếm cơ hội du học đến hiện tại và ước muốn MBA trở thành bước đệm mạnh mẽ cho sự nghiệp. Cô cũng chia sẻ những trải nghiệm lớn lên ở miền Trung và vấp ngã từng gặp phải. Trong bài luận xin học bổng, An viết về mùi hăng của dầu hỏa và mùi khen khét của tóc mỗi khi cô học bài mà vô tình nghiêng đầu về đèn dầu vào ban đêm; hay cách cô, mẹ và hai anh giữ im lặng cho bố ngủ để đi làm vào sáng sớm hôm sau.
Ngoài ra, đơn đăng ký vào trường có những câu hỏi yêu cầu trả lời ngắn, hay bị ứng viên ngó lơ. An lại tận dụng tất cả, xem là cơ hội thể hiện bản thân bằng thật nhiều màu sắc.
Sau vòng hồ sơ, Thuận An bước vào vòng phỏng vấn. Cả LBS và INSEAD đều yêu cầu cô tự sắp xếp một hoặc hai cuộc hẹn trực tiếp với cựu sinh viên do trường chỉ định, thay vì phỏng vấn với hội đồng như ở Oxford hay Cambridge.
"Đây có lẽ là cách kiểm tra khả năng kết nối và sắp xếp của ứng viên, cũng giúp ứng viên kiểm chứng mức độ phù hợp từ người trong cuộc", An nhìn nhận. Cô ấn tượng khi một cựu sinh viên hỏi mình ghét điều gì nhất ở Singapore, nơi cô học đại học và buổi phỏng vấn trở thành một cuộc trò chuyện vui vẻ.
An nói không chuẩn bị nhiều cho vòng này, chỉ đọc lại bản đề cương của mình khi viết luận và rà lại những gì đã viết trong đơn đăng ký. Thực tế, cô nhận thấy người phỏng vấn đọc, hiểu kỹ những gì cô đã viết và phát triển các chủ đề xung quanh cuộc sống của ứng viên để có cái nhìn toàn diện.
Nhìn lại hành trình, Thuận An đánh giá điểm mạnh của mình là sự chân thật, bởi hội đồng tuyển sinh thường thích thú với các câu chuyện cá nhân.
"Tôi không cố làm cho hồ sơ của mình thật hào nhoáng. Tôi thành thật với bản thân, và một chút dũng cảm để nói ra những điều thầm kín mà không sợ bị phán xét", An nói.
Doãn Hùng