Điều 503 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hiệu lực của việc chuyển quyền sử dụng đất) như sau: "Việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký theo quy định của Luật Đất đai".
Khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định: "Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính".
Như vậy, việc hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính; người nhận chuyển nhượng chỉ có quyền định đoạt sau khi mảnh đất đó được đăng ký vào sổ địa chính.
Trong trường hợp của bạn, bạn và bên đặt cọc chưa hoàn thành việc chuyển nhượng theo quy định của pháp luật nên bên đặt cọc chưa phải là chủ sử dụng đất, do đó chưa có quyền chuyển nhượng cho bên thứ ba. Việc bên đặt cọc tự ý rao bán mảnh đất mà không có sự đồng ý của bạn là trái với quy định pháp luật, vi phạm quyền định đoạt của chủ sở hữu.
Trong trường hợp này, bạn có thể cân nhắc, lựa chọn 1 trong 3 giải pháp sau:
- Một là tiếp tục thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất với bên đặt cọc;
- Hai là chấm dứt việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất với bên đặt cọc, bạn phải trả lại 100 triệu đồng (tiền đặt cọc đã nhận và tiền phạt cọc);
- Ba là chấm dứt việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất với bên đặt cọc và tiến hành khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền, đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng đặt cọc vô hiệu (do vi phạm điều cấm của pháp luật quy định tại Điều 123 Bộ luật Dân sự).
Khi đó, bạn chỉ phải trả lại cho bên đặt cọc số tiền 50 triệu đồng đã nhận mà không phải trả số tiền phạt cọc 50 triệu đồng bởi lẽ theo khoản 2 Điều 131 Bộ luật Dân sự quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Luật sư Phạm Quốc Bảo
Công ty luật Bảo Ngọc, Hà Nội