Luật sư Bùi Phan Anh (Công ty Luật Sen Vàng) cho hay, Điều 3, Nghị định 69/2018 quy định, thương nhân "không là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài" được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu không phụ thuộc vào ngành, nghề đăng ký kinh doanh; trừ hàng hóa thuộc danh mục cấm hoặc bị tạm ngừng xuất, nhập khẩu.
Thông tư 04/2014 của Bộ Công thương nêu, tổ chức không có vốn đầu tư nước ngoài gồm hộ kinh doanh cá thể.
Chị Hương có đăng ký hộ kinh doanh nên được quyền nhập khẩu các loại hàng hóa không thuộc danh mục cấm. Tuy nhiên, hàng hóa chị muốn nhập còn bị điều chỉnh bởi luật của nước xuất khẩu. Nếu quốc gia đó cấm xuất khẩu mặt hàng này, chị không thể nhập.
Trường hợp không bị cấm nhưng nhà máy sản xuất không có giấy phép xuất khẩu, chị nên yêu cầu họ bổ sung giấy tờ vào đăng ký. Như vậy, nhà máy sẽ trực tiếp xuất khẩu hàng cho chị, với ưu điểm là không cần trung gian, không "mất chiếu khấu". Khi có vi phạm hợp đồng, một trong hai bên có thể buộc đối tác xử lý nếu không sẽ kiện dễ dàng.
Nếu nhà máy không thể bổ sung giấy phép, chị Hương vẫn có thể nhập khẩu hàng hóa bằng cách "nhập ủy thác" qua một doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu ở nước sở tại. Khi đó, trên tờ khai xuất nhập khẩu phải ghi rõ bên sản xuất, bên xuất khẩu, bên nhập khẩu.
Việc này có nhược điểm là đẩy giá thành lên một bậc vì "phải cắt %" cho bên nhận ủy thác. Do liên quan nhiều bên nên phức tạp hơn; nhất là khi hàng hóa nhập về không đúng chất lượng, mẫu mã thỏa thuận sẽ "không biết kiện ai".
Lưu ý, việc ủy thác do pháp luật nước xuất khẩu quy định nên chị Hương và đối tác cần tìm hiểu kỹ; pháp luật Việt Nam chỉ điều chỉnh khâu nhập khẩu.
Song Minh