Tiệm bán đồ ăn đêm của vợ chồng Hòa ở quận Thanh Xuân, Hà Nội phục vụ khách từ 16h đến 4h hôm sau. Một năm trở lại đây, Hòa phải tuyển thêm 6 nhân viên.
Công việc kinh doanh qua mạng đang phát đạt song vợ chồng anh hoang mang, không biết bán đồ nhà làm cần đăng ký kinh doanh hay có giấy phép gì không?
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, cho biết khi buôn bán các sản phẩm tự làm tại nhà, bạn bắt buộc đăng ký kinh doanh, trừ buôn bán rong, hoặc các dịch vụ: rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh...
Nếu kinh doanh nhỏ lẻ, bạn nên chọn mô hình hộ kinh doanh cá thể với thủ tục đăng ký đơn giản. Bạn có thể đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới 10 lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản với hoạt động kinh doanh.
Nếu nhu cầu kinh doanh lớn hơn, bạn có thể lựa chọn một trong các loại hình doanh nghiệp sau: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh.
Có nhãn mác
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đồ nhà làm phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa.
Các sản phẩm nhà làm khi đưa ra thị trường đều phải dán nhãn, trừ thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì, bán trực tiếp cho người tiêu dùng hoặc sản phẩm đã qua sử dụng.
Thực phẩm: Phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn
Sau khi đăng ký kinh doanh, bạn cần xin giấy chứng nhận đăng ký đủ điều kiện an toàn. Các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định hoặc kinh doanh thức ăn đường phố không phải xin loại giấy này, theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP.
Hồ sơ cấp giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm gồm: đơn đề nghị cấp giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm, bản sao giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận về kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất, giấy chứng thực về nguồn gốc nguyên liệu và kiểm định nguồn nước sử dụng, bản thuyết minh về cơ sở vật chất trang thiết bị dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm,...
Các cá nhân, tổ chức đăng ký kinh doanh ngành nghề thực phẩm với hình thức hộ kinh doanh phải xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm tại Phòng y tế UBND quận/huyện nơi đang kinh doanh thực phẩm, theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP.
Trong 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, đảm bảo các điều kiện được cấp giấy phép.
Mỹ phẩm: Phải làm thủ tục công bố sản phẩm
Sau khi đăng ký kinh doanh, bạn cần thực hiện thủ tục công bố sản phẩm để đưa ra thị trường theo khoản 1 điều 3 TT06/2011/TT-BYT.
Tổ chức, cá nhân chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu, công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải chịu trách nhiệm về tính an toàn hiệu quả cũng như chất lượng sản phẩm. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ kiểm tra hậu mại sản phẩm khi lưu thông trên thị trường.
Nếu vi phạm các điều trên hoặc gây hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống người tiêu dùng, bạn sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Ngoài ra, người sản xuất, kinh doanh còn phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng do hành vi của mình gây ra, luật sư Diệp Năng Bình cho biết.
Phương Anh