Hồi tôi học cấp một, có vài ba bạn trong lớp lấy vợ rồi bỏ học, một phần lý do là phải đi bộ băng qua núi đồi tới trường. Lên cấp hai số bạn hồi cấp một còn một nửa, lên cấp ba thì hơn 90% bạn tôi lấy vợ hoặc chồng hết. Tôi chẳng khá hơn là bao, hồi học cấp hai luôn bị mẹ giục lấy vợ, mẹ buông ra những lời mà giờ tôi vẫn nhớ như in: "Không lấy vợ là không thương mẹ". Nguyên do cũng là mẹ tôi nhận thức thấp. Bố mẹ tôi đều mù chữ và ở một bản cách huyện 30 km. Để đỡ đau buồn và mệt mỏi, tôi luôn bỏ ngoài tai những lời nói của mẹ, anh em họ hàng và người trong bản. Tôi học xong cấp ba và thi rồi tốt nghiệp một trường đại học có tiếng, nằm trong top đầu ở nước ta.
Tôi mong muốn thay đổi cuộc sống của bố mẹ và anh em cùng người trong bản nhưng thực sự quá khó. Với bố mẹ, tôi phải dành ba năm để họ thay đổi từ việc hễ đau ốm, bệnh tật là do ma, phải cúng, trở thành việc ốm đau là đi khám, uống thuốc, để họ hiểu ốm đau không cần cúng. Về lối sinh hoạt, trước lúc tôi về, bố mẹ không có khái niệm đánh răng, việc tắm rửa thường xuyên cũng rất ít, nhà cửa không bao giờ dọn dẹp mà chỉ quét qua loa chỗ hay đi lại cho xong chuyện. Riêng chỗ bố mẹ ngủ, tôi dành gần một ngày chỉ để dọn dẹp vì nhện, côn trùng, mọt, đất bụi bẩn bám vào, chưa kể đồ lặt vặt. Đây là một trong những tác nhân khiến bố mẹ tôi hay ốm đau.
Trải qua gần bốn năm, lối sống nhà tôi thay đổi hoàn toàn, không cúng bái và bố mẹ khỏe mạnh, kinh tế cũng khấm khá hơn. Tôi giống như tượng đài vì gần 30 tuổi vẫn chưa lấy vợ, trong khi đó ở bản tuổi này sắp lên chức ông nội ông ngoại rồi. Anh em gần cũng nhìn nhà tôi rồi thay đổi được chút ít.
Nghĩ lại chặng đường mình đã trải qua đáng để tự hào nhưng nhiều khi tôi cũng thấy tủi thân, mệt mỏi và cô đơn. Tôi muốn ra phố nhưng cứ nghĩ cảnh bố mẹ ở nhà không ai chăm sóc lại thấy thương. Bố khá nát rượu, mẹ lại cục tính nên nói bố chẳng bao giờ nghe. Mong nhận được lời khuyên của các bạn, chân thành cảm ơn.
Hiển
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc