Cô dâu bé nhỏ mặc váy cưới, đội khăn voan, tay cầm hoa đi cùng người đáng tuổi ông mình trên phố, thu hút sự chú ý của người qua đường. Nhiều người cho rằng việc này chấp nhận được.
"Đây là vợ ông à?" một người đàn ông qua đường cất tiếng hỏi. "Vâng", chú rể đáp lời. Người kia gật đầu, nói chúc mừng.
Tuy nhiên, không ít người tỏ ra tức giận. Một phụ nữ sốc đến nỗi đòi gặp bố mẹ cô dâu.
"Con bé mới 12 tuổi! Tôi đang chạy bộ, nhưng chân cứng lại khi nhìn thấy nó", bà hét lên. Một người đứng ngoài nói cho bà nghe "đám cưới" là hợp pháp vì chú rể được bố mẹ cô dâu đồng ý, và nói thêm: "Luật pháp cho phép điều này".
"Luật nào? Tôi sẽ đưa cháu đi. Chúng ta đều phải đi cùng con bé. Sao tôi có thể bỏ cháu lại được? Nó như là con gái tôi", bà giận dữ nói. Một người đàn ông khác hỏi nhiếp ảnh gia ông ta có vui không khi chụp ảnh cưới cho cặp đôi thì chú rể cắt ngang, nói rằng:
"Không phải việc của anh. Tôi đang đi cùng vợ. Bố mẹ cô ấy đã đồng ý rồi", chú rể nói. Người kia lập tức đáp lời: "Trông anh đáng tuổi ông con bé".
Một người khác nói tiếp: "Bố mẹ con bé là tội phạm".
Đây là màn kết hôn giả giữa cô dâu 12 tuổi và một người đàn ông lớn tuổi, do tổ chức từ thiện KAFA sắp đặt, nhằm kêu gọi người dân và chính quyền Lebanon chú ý tới nạn tảo hôn.
Theo tổ chức từ thiện KAFA, các tòa án tôn giáo ở Lebanon cho phép trẻ gái kết hôn từ 9 tuổi, với điều kiện được cấp phép đặc biệt. Ngoài ra, luật pháp nước này quy định trẻ gái 14 tuổi trở lên có thể lấy chồng mà không cần bố mẹ đồng ý.
Những vụ tảo hôn ngày càng gia tăng, đặc biệt trong các trại tị nạn, nơi những bé gái người Syria bị ép phải lấy chồng.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), cứ 100 trẻ em ở Lebanon thì có một em kết hôn trước 15 tuổi, và hiện tượng này đang có chiều hướng gia tăng; trong bối cảnh các gia đình tị nạn người Syria trong khu vực Arab muốn con gái lấy những người đàn ông lớn tuổi vì cho rằng, họ sẽ đảm bảo được cho các bé gái cuộc sống tốt đẹp và an toàn hơn.
Tuy nhiên, thực tế là mong muốn này lại đẩy trẻ gái vào nhiều nguy hiểm từ biến chứng thai kỳ, ngược đãi, cưỡng hiếp, thất học, Robert Jenkins, phát ngôn viên của UNICEF cho biết.
Jasmin, 16 tuổi, sinh ra ở Syria và bị ép kết hôn với một người đàn ông 24 tuổi ở trại tị nạn tại Jordan.
"Khi còn bé, cháu mơ ước trở thành nhà thiết kế thời trang, nhưng nay thì không thể hoàn thành vì hoàn cảnh thực tại", Jasmin nói với đại diện UNICEF lúc đang mang bầu 5 tháng.
Một bé gái tị nạn khác tên Maha, 13 tuổi nói:
"Cha ép cháu phải lấy chồng vì ông nghe đồn xảy ra vụ hiếp dâm trong trại tị nạn gần đó", Maha nói. "Bố sợ cháu và chị gái cũng bị như thế. Do đó, ông ép chị gái cháu lấy chồng trước, rồi đến cháu".
"Cháu bị ép và không còn lựa chọn nào khác. Lúc đó cháu không muốn lấy chồng, và muốn học tiếp, nhưng không được".
Theo Jihane Latrous, chuyên gia bảo vệ trẻ em của UNICEF, các bé gái tị nạn người Syria bị gả đi vì "sẽ bớt miệng ăn" cho gia đình đang lâm vào cảnh nghèo khó. Lebanon đang cố gắng giải quyến vấn đề này bằng pháp luật, trao quyền lực cho chính quyền dân sự địa phương - nơi từ lâu bị các giáo sĩ tôn giáo kiểm soát.
Fadi Karam, tổng thư ký Ủy ban Quốc gia về Phụ nữ của Lebanon là một người đấu tranh vì nhân quyền cho biết:
"Để bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất, phải có sự bổ sung giữa các nhà chức sắc tôn giáo và chính quyền dân sự", Karam nói.
Theo Lakshmi Sundaram, giám đốc tổ chức Trẻ gái không phải Cô dâu, cứ ba trẻ gái ở các nước đang phát triển thì một em tảo hôn, khiến cuộc đời và cộng đồng của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Mang thai và sinh nở cực kỳ nguy hiểm đối với các cô dâu trẻ em, thường dẫn đến tử vong hoặc thương tật vĩnh viễn", Sundaram nói. "Con cái của các em cũng bị nguy hiểm. Những đứa trẻ do các bà mẹ dưới 20 tuổi sinh ra hiếm khi sống sót qua một tuổi. Một khi kết hôn, các em gái sẽ thành thất học, đồng nghĩa với khó tiếp cận cơ hội đưa mình và gia đình thoát nghèo".
"Ngay ta bây giờ, chúng ta phải hành động để chấm dứt nạn tảo hôn. Nếu không, hơn một tỷ trẻ gái sẽ bị ép kết hôn từ nay đến 2050", bà Sundaram nói.
Hồng Hạnh