Chị Đào, 32 tuổi, cho hay gia đình chị may mắn sống ở khu vực tập trung nhiều người châu Á nên việc mua sắm các nguyên liệu làm cỗ không quá khó khăn.
Chồng bận rộn với công việc, một mình chị vừa chăm lo cho cậu con trai hai tuổi vừa tranh thủ đi chợ, nấu nướng. Từ hôm 22 tháng Chạp, chị đã mua đầy đủ các nguyên liệu cần thiết như bánh đa nem, thịt lợn, mộc nhĩ, gà, nếp, hoa quả, vàng mã.
Ngày cúng ông Công ông Táo, chị mất khoảng hai tiếng để chuẩn bị và nấu nướng xong mâm cỗ gồm gà luộc, xôi, nem rán, hoa quả. Ở New York không có cá chép cho ông Công ông Táo "chầu trời" nên chị chỉ hóa vàng. Việc hóa vàng cũng phải được thực hiện thật khéo để tránh ảnh hưởng đến các gia đình xung quanh.
Nhìn bức ảnh mà chị chia sẻ trên trang cá nhân, bạn bè và người thân ở Việt Nam ai cũng khen mâm cỗ tuy đơn giản nhưng tươm tất và ấm cúng.
"Tuy mâm cỗ không được thịnh soạn như ở Việt Nam nhưng đây vẫn là tấm lòng của gia đình mình ở trời Tây hướng về nguồn cội", chị Đào chia sẻ.
6 năm nay sống xa quê hương và chạy theo guồng quay tất bật của New York, ngày 30 tháng Chạp, vợ chồng chị Phương vẫn sắp xếp thời gian để làm cơm tất niên với đặc sản giò thủ, canh măng, gói bánh chưng và cúng giao thừa đúng giờ Việt Nam. Cái Tết xa xứ vì thế mà phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà.
"Hầu như năm nào tôi cũng cùng mấy người bạn rủ nhau đi chợ mua đồ gói bánh chưng", chị kể. "Bánh chưng có bán sẵn trong siêu thị nhưng chúng tôi muốn tự tay gói cho có không khí Tết. Mỗi nhà gói tầm 3 cái. Do không có lá dong nên chúng tôi gói bánh bằng lá chuối".
Truyền thống này năm nay vẫn sẽ được tiếp nối. Cuối tuần này, vợ chồng chị và một số bạn bè người Việt sẽ lại quây quần bên nhau tiễn năm cũ, đón năm mới, rồi cùng chuẩn bị nếp, đỗ xanh, thịt lợn thật tươi ngon để nấu bánh chưng cúng giao thừa.
"Một phần, tôi vẫn muốn giữ gìn nề nếp truyền thống của tổ tiên. Một phần, tôi cũng muốn con cái mình hướng về văn hóa Việt Nam", chị Đào nói. "Hai năm hay 20 năm nữa, dù ngắn hay dài, chúng tôi rồi cũng sẽ trở về quê hương. Tôi muốn con mình giữ cái gốc để luôn nhớ rằng Việt Nam là nhà".
Anh Ngọc
Mời các độc giả đang sinh sống ở nước ngoài chia sẻ bài viết, hình ảnh và video đón Tết về địa chỉ nguoivietvnexpress@gmail.com. Bài viết vui lòng sử dụng tiếng Việt có dấu.