Tại Maryland, nhóm khoảng 50 người Việt dự kiến ngày 6/2 tổ chức gói bánh chưng đón tết Nguyên đán. Các nguyên liệu gồm gạo, thịt, đỗ, lá bánh do các gia đình tự phân công nhau chuẩn bị.
Theo chị Minh Phương, 41 tuổi, người "chủ trì" hoạt động này năm ngoái, vì không có lá dong nên mọi người chủ yếu dùng lá chuối, mua ở chợ châu Á thuộc thành phố Rockvill. Các chủ hiệu nắm bắt được nhu cầu của khách hàng nên cắt và xếp lá gọn gàng để tránh bị rách.
"Ở đây thiếu vắng không khí đón Tết, mọi người xung quanh vẫn đi làm bình thường, nên chúng tôi tụ họp với nhau, cùng chia sẻ chuyện gia đình và tiễn biệt năm cũ", chị Phương nói.
Việc gói bánh thường do các ông chồng đảm trách, nhiệm vụ này cũng đơn giản hơn nhờ có khuôn sẵn. Gói xong mọi người lại chia nhau số lượng đã thống nhất từ trước, mang về đun bằng bếp ga, mất khoảng 6-7 tiếng.
Cũng tại khu chợ châu Á, người Việt có thể mua các món ăn truyền thống như dưa hành, nem, tuy nhiên không có măng khô và bánh đa nem cũng không ngon bằng ở Việt Nam. Các hoa quả cần thiết để bày mâm ngũ quả cũng tương đối đầy đủ, giá cả tương đương ở Việt Nam. Đồ trang trí trong gia đình là hoa đào, hoa mai giả, kết hợp với đèn màu. Mọi người cũng xin nghỉ làm, cho con nghỉ học một đến hai ngày để đón Tết.
"Đến đúng 12h trưa ngày 8/2, tôi sẽ thắp hương để cúng gia tiên, vì khi đó là thời điểm Giao thừa ở Việt Nam", chị Phương cho hay.
Ở bang Virginia, một nhóm người Việt khác, khoảng 10 gia đình, do không có điều kiện gói bánh chưng nên dự định cùng nhau đón Tết ở nhà hàng vào chiều ngày 6/2.
Chị Nguyễn Hà, 43 tuổi, người đã ở Mỹ 8 năm, cho biết tiệc năm nay có rất nhiều món ngon như cải muối, thịt đông, cá kho tộ, bánh tôm Cổ Ngư, giò thủ và bún chả. Theo kịch bản, một anh người Mỹ, là chồng của một chị trong nhóm, sẽ phát biểu chúc Tết bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt. Mọi người cùng hát một bài hát Việt Nam.
"Vào ngày mùng một, tôi thường chuẩn bị ở nhà một mâm cơm kiểu Việt Nam và mời bạn bè đến. Trò chuyện với họ cũng giúp tôi nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ nhà", chị Hà nói.
Do công việc bận bịu hơn, chị Quỳnh Chi, cũng ở Virginia, chuẩn bị đón Tết khá đơn giản, với cúc đại đóa và hoa lay ơn trang trí bàn thờ. Các đồ ăn truyền thống mua ở siêu thị cũng khá đầy đủ, như bánh chưng, hành, củ kiệu, thịt đông, thịt kho.
Theo chị Chi, nhiều người Việt còn tìm mai Mỹ và hoa anh đào để trang trí trong nhà. Hiện các siêu thị bán hàng cho người Việt đều gọi dịp này là Tết âm lịch, thay vì nói Tết Trung Hoa (Chinese New Year) như trước đây.
Đại gia đình của chị Chi cũng ở Virginia nên không khí ấm áp hơn, các cháu gái được mặc áo dài, cùng các bà các mẹ đi chùa. Mọi người cũng không quên gọi điện cho họ hàng Việt Nam vào đêm Giao thừa và mùng một để chúc Tết. Chị Chi cũng thường gửi quà về cho họ hàng ở Việt Nam.
Chị Chi cho biết thêm, người Việt ở Virginia không được đốt pháo, nếu có phải xin phép trước. Điều này khác với quy định ở quận Cam, bang California, nơi có nhiều người Việt hơn. Các cụ cao niên vì nhớ nhà nên thường đứng ra thuê các trường học để tổ chức chợ Tết cho mọi người, dù không thể kéo dài vì thời tiết lạnh giá.
Một buổi tiệc có quy mô lớn hơn của hai nhóm này dự kiến diễn ra vào ngày 14/2. Ngoài các món ăn đặt tại siêu thị Eden Center, còn có chương trình văn nghệ, biểu diễn guitar và piano của các cháu nhỏ, chương trình đọc thơ của những người lớn tuổi.
Cận Tết là thời điểm chị Minh Phương nhớ cảnh quây quần bên người thân nhiều nhất, vì vậy được tụ họp với mọi người là điều rất vui và có ý nghĩa.
"Tôi cầu mong ai cũng mạnh khỏe trong năm mới, các cháu ngoan và học giỏi, mọi người có cuộc sống bình yên", chị Phương nói.
Phạm Thức (Từ Maryland, Mỹ)
Mời các độc giả đang sinh sống ở nước ngoài chia sẻ bài viết, hình ảnh và video đón Tết về địa chỉ nguoivietvnexpress@gmail.com. Bài viết vui lòng sử dụng tiếng Việt có dấu.