Đầu tháng 3, Việt Nam đã gửi yêu cầu tham vấn tới Mỹ thảo luận việc Mỹ áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm đông lạnh nhập khẩu. Khi Việt Nam gửi yêu cầu tham vấn, phái đoàn Thái Lan, Nhật Bản, EU cũng đã yêu cầu tham dự với tư cách là bên thứ 3, tuy nhiên phía Mỹ đã từ chối đề nghị này. Ngày 23/3, phiên tham vấn chính thức giữa Việt Nam và Mỹ sẽ được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ). Nếu tham vấn không thành công, Việt Nam sẽ kiện Mỹ lên WTO.
Lần đầu tiên Việt Nam có ý định kiện Mỹ về việc áp dụng thuế chống bán phá giá với tôm đông lạnh của Việt Nam. Ảnh: shopdientu. |
Tại buổi tọa đàm về các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp liên quan đến xuất khẩu Việt Nam ngày 10/3, tiến sĩ Peter John Koenig, Luật sư cao cấp của hãng Luật Squire Sanders (Mỹ) cho rằng, Việt Nam có đầy đủ quyền để đưa việc Mỹ áp thuế suất không hợp lý đối với tôm đông lạnh của Việt Nam nhờ WTO phân xử. Theo ông Peter John Koenig, Việt Nam cần phải xem xét, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia thắng kiện để làm bài học cho mình. "Khi các nước khác như Canada, EU, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador có thể thắng kiện thì tôi cho rằng Việt Nam cũng không hề có rủi ro nào trong vụ kiện này, nghĩa là khả năng thắng của Việt Nam là có", ông Koenig nhận định.
Theo bà Nguyễn Chi Mai, trưởng ban Phòng vệ Thương mại Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương, cho biết, Việt Nam có cơ sở pháp lý, có căn cứ thực tiễn để kiện Mỹ. Bằng chứng là các nước như Canada, EU, Nhật Bản... đã thắng Mỹ trong vụ kiện áp dụng thuế suất không hợp lý đối với các mặt hàng xuất khẩu của các nước này. "Việt Nam đã tính toán rất kỹ trước khi làm. Trong trường hợp kết quả không như mong muốn, chúng ta sẽ thu được những kinh nghiệm quý báu", bà Mai nói.
Chia sẻ thêm về việc túi nhựa PE Việt Nam bị áp thuế chống phá giá, chống trợ giá, ông Peter John Koenig cho rằng, Việt Nam được cho là nước có nền kinh tế phi thị trường, nhưng Mỹ lại sử dụng một thị trường thứ 3, Ấn Độ, nước có nền kinh tế thị trường để so sánh là một điều chưa hợp lý. "Chắc chắn sẽ có những yếu tố không nhất quán trong việc so sánh này và Việt Nam có thể phản đối việc làm này của Mỹ", ông Peter John Koenig nói.
Cũng theo ông Peter John Koenig, có nhiều lý do để Mỹ khởi kiện nhiều quốc gia về việc chống bán phá giá và chống trợ cấp giá, trong đó phải kể đến nguyên nhân suy giảm kinh tế Mỹ. Nhiều quốc gia cũng như WTO cho rằng, Mỹ nên áp dụng biện pháp tính toán bù trừ cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, hàng được bán giá cao có thể được bù trừ cho những hàng hóa bán giá thấp. Tuy nhiên, theo quan điểm của Mỹ, hàng nhập khẩu bán giá cao không liên quan gì đến hàng hóa bán giá thấp. Và tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ bán giá thấp đều được coi là phá giá.
Năm 2010 được dự báo là một năm mang lại những khởi sắc cho thị trường xuất khẩu Việt Nam khi kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi sau khủng hoảng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam là phải vượt qua rào cản thương mại ở thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các vụ chống bán phá giá và chống trợ cấp. Mỹ và EU là hai thị trường xuất khẩu trọng điểm lại liên tiếp xảy ra các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp giá là một điều đáng ngại.
Bách Hợp